Cùng với di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam, người ta cũng hay nhắc đến tháp Bánh Ít như một trong những địa điểm tham quan không thể bỏ sót với những công trình lâu đời nhất mang đậm nét giá trị văn hóa còn sót lại – nơi ẩn giấu dòng thời gian đã qua của một đất nước Chăm Pa hùng mạnh. Chính vì những nét độc đáo trong kiến trúc và các giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, cụm tháp Bánh Ít tại Bình Định đã trở thành khu di tích duy nhất tại Việt Nam được một nhóm tác giả người Anh vinh danh là một trong 1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời. Hành Hương Việt sẽ giúp tái hiện lại một thuở Chăm Pa hào hùng dưới hình ảnh di tích Tháp Bánh Ít qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
I. Đôi nét về tháp Bánh Ít
Quần thể tháp Bánh Ít tọa lạc trên một ngọn đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành thuộc thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km.
Cụm tháp Bánh Ít được biết đến là di tích kiến trúc có niên đại sớm khi được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V. Tháp Bánh Ít còn được biết đến là một trong bảy cụm tháp trên đất Bình Ðịnh còn lại nhiều tháp nhất có giá trị văn hóa độc đáo của Vương Triều Chăm Pa.
Tháp Bánh Ít được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1982. Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận quần thể tháp Bánh Ít nằm trong Top 10 tháp và cụm tháp cổ được nhiều du hành khách đến thăm nhất vào năm 2014. Có thể thấy, quần thể tháp Bánh Ít đã được các cơ quan ban ngành đặc biệt quan tâm vì những giá trị văn hoá đặc sắc và nét độc đáo trong kiến trúc mà nơi đây còn lưu giữ.
II. Tại sao gọi là tháp Bánh Ít?
Trước kia, tháp Bánh Ít nằm trong phạm vi của làng Tri Thiện thuộc xã Phước Quang nên mang tên là tháp Tri Thiện. Ngoài ra, tháp Bánh Ít còn có những tên gọi khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, tháp Thổ Sơn hay người Pháp còn gọi là Tour d’argent – tháp Bạc. Tuy nhiên, tháp Bánh Ít vẫn là cái tên được nhiều người biết đến hơn bởi nhìn từ xa sẽ thấy các tòa tháp như những chiếc bánh ít được xếp cạnh nhau. Và khi nhắc đến bánh ít, người ta sẽ nghĩ ngay đến món bánh ít lá gai – đặc sản tại tỉnh Bình Định.
III. Tháp Bánh Ít có gì nổi tiếng?
Nét đặc trưng nổi bật trong các kiến trúc Chăm Pa là sự kết hợp của 3 cửa giả và 1 cửa chính trong mỗi toà tháp. Ngoài ra, khu di tích tháp Bánh Ít còn có 1 toà tháp chính và 3 toà tháp phụ được xây dựng với độ cao khoảng 100m so với mực nước biển. Chính vì những nét độc đáo tồn tại ở nơi đây đã thu hút được không ít sự quan tâm của những nhà khảo cổ, kiến trúc sư nổi tiếng trên khắp thế giới.
Tháp Chính, đây là ngọn tháp lớn nhất nằm ở đỉnh đồi với chiều cao khoảng hơn 20m, được xây dựng theo hình vuông, có 3 tầng, càng lên trên càng nhỏ dần và mỗi mặt dài 11m. Tháp có một cửa chính duy nhất nằm ở phía Đông cùng 3 cửa giả quay về các hướng khác và được xây dựng theo lối kiến trúc Kalan. Cửa chính nhô ra khỏi mặt tường và cao tận 2m. Vòm cửa có hình mũi giáo, chính giữa vòm là bức phù điêu mặt Kala đang trong tư thế ngoạm rắn Naga. Diềm mái được chạm khắc hình ảnh khỉ thần HaNuMan trong tư thế đang múa. Các cửa giả còn lại được trang trí bởi các bức phù điêu Gajasimha (mình người đầu voi) vô cùng sinh động.
Tháp Yên Ngựa nằm ngay cạnh tháp Chính. Tháp mang trên mình một kiến trúc vô cùng lạ mắt và gần như độc nhất vô nhị tại Bình Định với phần mái được làm cong như yên ngựa. Tháp sở hữu độ cao 10m, dài 12m và chiều rộng là 5m. Cửa chính của tháp ở phía Đông, đi sâu vào bên trong bạn sẽ thấy có các cửa trổ ra ở phía Bắc và Nam. Phần đế tháp hơi nhô ra so với thân tháp và được xây giật cấp vuông vức nhằm mục đích tạo bệ đỡ vững chắc. Thân tháp được tạo hình với bức phù điêu chim thần trong tư thế hai cánh giơ cao như đang nâng đỡ phần trên của cả tòa tháp Yên Ngựa.
Tháp Cổng cách phía Đông của tháp Chính khoảng 30m. Tháp Cổng có chiều cao khoảng 13m và được xây trên những bình đồ hình vuông, mỗi cạnh dài 7 m. Chất liệu được sử dụng để xây dựng là gạch đá ong. Tháp mở ra hai cửa thông nhau theo các hướng Đông – Tây, kiến trúc này được gọi là Gopura. Vòm cửa của tháp được thiết kế có hình mũi giáo và nhiều lớp liên tiếp nhau vút lên trời cao. Hai mặt Bắc và Nam của tháp là hai cửa giả được bịt kín. Thân tháp có những rãnh dọc bị lõm tạo thành cột ốp có dáng cao vút. Tháp Cổng là hình ảnh thu nhỏ của tháp Chính và được xây theo hướng quay về phía Nam của di tích, có thiết kế khá vững chãi và trang trọng.
Tháp Bia ở hướng Đông – Nam, có kích thước và cấu trúc tương tự như tháp Cổng ở phía Đông. Tuy nhiên, phần tháp này mang lại cho người xem cảm giác vui tươi và ấm áp hơn so với tháp Cổng. Phần đỉnh tháp Bia được thu nhỏ và giật lại thành từng tầng đẹp mắt. Mỗi tầng của tháp đều có một hàng cột được thắt ở giữa và phình ra ở 2 đầu trông xa xa như những quả bầu nằm sát nhau trên các tầng.
Với 4 tháp hiện còn của quần thể, mỗi ngôi tháp ở đây đều mang mỗi dáng vẻ khác nhau về hình dáng, kỹ thuật xây dựng lẫn lối kiến trúc riêng biệt.
Bên cạnh việc được thưởng thức lối kiến trúc Chăm Pa đặc trưng, bạn còn có cơ hội chiêm ngưỡng bức tượng thần Siva được chạm khắc vô cùng tinh xảo với hình ảnh thần Siva ngồi trên tòa sen, lưng tựa vào phiến đá có dạng hình cung. Đã phải trải qua hằng thế kỷ cùng những thăng trầm lịch sử, đến nay, bức tượng thần Siva đã không còn giữa được hình dạng nguyên vẹn, nhiều chi tiết đã bị sứt mẻ nhưng giá trị văn hóa mà nó mang lại vẫn còn vẹn nguyên.
IV. Lợi ích khi ghé thăm tháp Bánh Ít là gì?
Dù đã trải qua gần 10 thế kỷ nhưng khu di tích tháp Bánh Ít vẫn còn vẹn nguyên những giá trị cốt lõi của văn hoá, kiến trúc Chăm Pa hùng vĩ. Mang trên mình sứ mệnh truyền tải giá trị văn hoá dân tộc, bất chấp những thăng trầm của lịch sử, bất chấp thời gian đã bào mòn đi nét hoàn mỹ và chỉ còn lại những nét rêu phong phủ đầy các vết rạn nứt, tháp Bánh Ít vẫn sừng sững như đang chứng minh cho sự bất diệt.
Đến với tháp Bánh Ít, khách du lịch không những được chiêm ngưỡng nét văn hoá đặc trưng qua các thời kì kiến trúc Chăm Pa tiêu biểu như lối kiến trúc Gopura, Posah, Kalan mà còn hiểu hơn về những giá trị lịch sử nổi bật khi Vương triều Chăm Pa ở giai đoạn hùng mạnh. Đây còn là địa điểm check in của rất nhiều bạn trẻ bởi lối kiến trúc của tháp Bánh Ít vốn dĩ đã toát lên nét hùng tráng nhưng lại rất trang trọng và thanh nhã.
V. Lời Kết
Dù không phải là những quần thể tháp to lớn như một số nơi khác nhưng khu di tích tháp Bánh Ít ngày càng được biết đến nhiều hơn bởi vẻ đẹp cổ kính pha chút vẻ đẹp tao nhã và sự kết hợp đa dạng giữa các lối kiến trúc khác nhau qua nhiều thời kỳ. Nếu có dịp về với Bình Định, đừng quên ghé thăm khu di tích tháp Bánh Ít để hiểu hơn về kiến trúc của đất nước Chăm Pa vĩ đại một thời cùng nét văn hoá đặc sắc thông qua những vật dụng còn sót lại cho đến tận bây giờ.
Xem thêm: Đức Mẹ Sao Biển (Đà Nẵng) – Huyền thoại lịch sử miền biển Mỹ Khê từ năm 2006
Bài viết liên quan: