Ngã Ba Đồng Lộc – 10 cô gái Đồng Lộc nối liền huyết mạch tổ quốc thế kỉ 20

Ngã Ba Đồng Lộc là một địa danh gắn liền với trang sử hào hùng đấu tranh gìn giữ độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam ta. Nhắc về Ngã Ba Đồng Lộc, người ta không chỉ nhớ đến con đường huyết mạch nối liền hai miền Nam Bắc mà còn nhớ đến ngay hình ảnh của 10 người con gái anh hùng tuổi đôi mươi chẳng ngại hiểm nguy một lòng xả thân vì đồng bào dân tộc, vì độc lập tự do. Nhằm hỗ trợ quý du khách có dự định viếng thăm địa điểm thiêng liêng này, Hành Hương Việt xin cung cấp một số thông tin cơ bản cần biết thông qua bài viết dưới đây.

1. Ngã Ba Đồng Lộc thuộc tỉnh nào?

Ngã Ba Đồng Lộc ở đâu? Ngã Ba Đồng Lộc là di tích của vùng nào? Có lẽ là hai câu hỏi đầu tiên xuất hiện khi quý du khách có dự định viếng thăm nơi này. Ngã Ba Đồng Lộc là khu di tích lịch sử thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngã Ba nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác với hai bên là đồi núi trọc, ở giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng và là giao điểm của Quốc lộ 15 và Quốc lộ 15B.

Ngã Ba Đồng Lộc thuộc tỉnh nào

2. Ngã Ba Đồng Lộc và 10 cô gái anh hùng kiên trung

Ngã Ba Đồng Lộc là tuyến đường duy nhất để vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện cho đồng bào miền Nam trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau khi quốc lộ 1A bị chia cắt vào cuối tháng tư năm 1965 và kể từ đây, Ngã Ba Đồng Lộc đã trở thành trọng điểm đánh phá của không quân đế quốc Mỹ.

Với mục đích phá hủy Ngã Ba Đồng Lộc tức con đường huyết mạch lúc bấy giờ, biến địa điểm này thành tọa độ chết nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc hướng về miền Nam ruột thịt, đế quốc Mỹ đã triển khai kế hoạch đánh phá trong suốt 7 tháng liền.Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã Ba Đồng Lộc đã phải hứng chịu 1863 lần thả bom với số lượng bom lên đến gần 50000 quả. Theo như ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã Ba phải hứng chịu ít nhất 3 quả bom hạng nặng.

Ngã Ba Đồng Lộc và 10 cô gái anh hùng

Ngã Ba Đồng Lộc những ngày đất và trời mịt mờ khói lửa có khoảng 1,6 vạn người bám trụ phá bom, mở đường với sự tham gia chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong. Trong số đó, điển hình nhất là hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.  10 cô gái dũng cảm trong Tiểu đội 4 là: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi),

Vào ngày 24 tháng 07 năm 1968, Tiểu đội nhận nhiệm vụ san lấp hố bom ở khu vực địch vừa ném để mở đường cho xe chi viện đi qua. Các chị nhanh chóng thực thi nhiệm vụ cho đến khoảng 16:30, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Ngã Ba Đồng Lộc. Không may, một quả bom đã rơi vào vị trí của 10 người đóa hoa quả cảm. Các chị đã hi sinh ở tuổi đôi mươi để đổi lấy hòa bình dân tộc, thống nhất non sông nhưng khát vọng tuổi trẻ và tình yêu tổ quốc của 10 người con gái ấy đã hóa thành 10 đóa hoa bất tử trong lòng người Việt. Tên các chị đã hóa thành tên chung vang vọng trên dòng chảy lịch sử hào hùng – 10 Cô gái Ngã Ba Đồng Lộc. Tên gọi ấy không chỉ xướng tên 10 đóa hoa bất tử mà còn đại diện cho lớp lớp thanh niên đến từ mọi miền Tổ quốc oanh liệt nằm xuống tại nơi này.

10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc

3.           Tổng quan khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc

Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc có diện tích rộng khoảng 50ha và được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989. Nơi đây gắn liền với hình ảnh của 10 người con gái Đồng Lộc và tập thể lực lượng thanh niên xung phong hết lòng vì tổ quốc. Du khách đến với địa danh này sẽ cảm nhận được bầu không khí lắng đọng, tha thiết nỗi nhớ thương về những con người kiên trung nằm lại và rất đỗi tự hào về lịch sử dân tộc yêu nước vẻ vang.

3.1.        Khu mộ 10 nữ anh hùng Đồng Lộc – 10 đóa hoa bất tử

khu mộ 10 nữ anh hùng Ngã Ba Đồng Lộc

Qúy du khách khi tham quan cụm di tích Ngã Ba Đồng Lộc, sẽ có cơ hội được nán lại viếng thăm và thắp hương cho 10 người con gái anh hùng của Tiểu đội 4 tại khu mộ. 10 ngôi mộ nằm ở dưới chân núi Trọ Voi, cách nhà bia tưởng niệm khoảng 30m. Hố bom nơi 10 chị anh dũng hy sinh nay vẫn nằm ở vị trí cũ.

3.2.        Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc

Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc tại Ngã Ba Đồng Lộc được xây dựng vào năm 1998 và được tu sửa lại vào năm 2007. Nơi đây khắc khoảng 4000 tên các vị anh hùng, liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc và các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh nhằm ghi nhớ công ơn và tưởng niệm những trái tim vĩ đại vì đồng bào dân tộc và sự nghiệp thống nhất non sông.

nhà bia tưởng niệm Ngã Ba Đồng Lộc

3.3.        Tượng đài chiến thắng

Tượng đài chiến thắng là công trình được xây dựng trên nền đất đầy rẫy những hố bom do chiến tranh ngày xưa để lại. Xung quanh chân tượng đài là những hình ảnh tái hiện trận đánh ở ngã ba Đồng Lộc với bom đạn, khói lửa và cả hòa bình, hy vọng được thể hiện qua những áng mây. Tượng đài là sự đại diện cho sức mạnh từ ý chí và sự đoàn kết của các lực lượng thanh niên xung phong, công an, dân quân du kích, bộ đội, công nhân giao thông cùng nhau phối hợp mở đường.

tượng đài chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc

3.4.        Cột biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông vận tải

Trong khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc, nằm chính giữa là cột biểu tượng lưu niệm của ngành giao thông vận tải. Công trình được khánh thành vào ngày 26 tháng 03 năm 1992. Công trình được thiết kế sử dụng vật liệu đá hoa cương trắng và xanh nguyên khối toát ra sự uy nghiêm và đầy trang trọng với ý nghĩa tôn vinh những chiến công oanh liệt của các vị anh hùng tham gia kháng chiến.

cột giao thông vận tải Ngã Ba Đồng Lộc

3.5.        Phòng trưng bày truyền thống Ngã Ba Đồng Lộc

Ở Ngã Ba Đồng Lộc có một địa điểm đặc biệt được sử dụng để lưu giữ các hiện vật trong thời kỳ kháng chiến đó là Phòng trưng bày. Phòng trưng bày có một sa bàn điện tử miêu tả lại sự kiện ngã ba Đồng Lộc diễn ra vào 53 năm trước. Nơi đây hiện nay còn lưu giữ các hình ảnh ngã ba Đồng Lộc và nhiều hiện vật đáng quý như bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ, sổ ghi bài hát của chị Hường, bộ quần áo của chị Xuân,…

phòng trưng bày Ngã Ba Đồng Lộc

3.6.        Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc

Để hiểu hơn về trang sử hào hùng Ngã Ba Đồng Lộc, quý du khách khi viếng thăm nơi đây có thể nán lại nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc để tham quan 228 hiện vật gốc và 248 hình ảnh, tư liệu về cuộc sống lao động, chiến đấu của thanh niên xung phong trên mọi nẻo đường.

3.7.        Tháp chuông Đồng Lộc

Tháp chuông Đồng Lộc

Tháp chuông Đồng Lộc được khánh thành vào ngày 02 tháng 01 năm 2011. Đây là công trình được xây dựng sau này nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ đã ngã xuống. Đây đồng thời là công trình giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ hôm nay và mai sau. Kiến trúc tháp gồm có 7 tầng và 8 mái với chiều cao khoảng 37m, trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn. Qúy du khách đi theo bậc thang hình xoắn ốc lên đến đỉnh tháp có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan Ngã Ba Đồng Lộc và đất trời Can Lộc.

4.           Tổng kết

Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc và huyền thoại về 10 người con gái Đồng Lộc anh hùng cảm tử sẽ mãi tồn tại trong trái tim của con người Việt Nam mặc cho thời gian có đẩy chiến tranh lùi xa và làm phai nhòa đi những gì còn sót lại.

Hành Hương Việt hy vọng có thể hỗ trợ chuyến đi của quý du khách qua những thông tin trên, kính chúc quý du khách có một chuyến tràn đầy ý nghĩa khi đến viếng thăm Ngã Ba Đồng Lộc.

Xem thêm: Khám phá hồ Ba Bể, Bắc Cạn – hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201