Huyền Không Sơn Thượng – tiên cảnh giữa núi rừng xứ Huế

Huyền Không Sơn Thượng được mệnh danh là tiên cảnh giữa rừng núi xứ Huế, đây cũng là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử này. Đến với ngôi chùa được bao bọc bởi núi rừng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ đặc sắc, tham gia đốt hương dâng lễ, hòa mình với chốn thiền tịnh, tìm về cảm giác an nhiên. Chính những điều này đã tạo nên một Huyền Không Sơn Thượng tựa tiên cảnh, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Hãy cùng Hành Hương Việt khám phá ngôi chùa đặc biệt này nhé!

1.    Huyền Không Sơn Thượng ở đâu?

Huyền Không Sơn Thượng hay còn được gọi là chùa Huyền Không 2, thuộc hệ phái Nam Tông, tọa lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Hà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không chỉ là nơi có vẻ đẹp tựa tiên cảnh mà Huyền Không Sơn Thượng còn là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất xứ Huế. Rời xa chốn đô thành tấp nập, xuôi theo bờ Nam sông Hương, ngược lên vùng ngoại ô Kim Long, ngang qua chùa Thiên Mụ, men theo con đường đất xưa cũ sẽ tới được núi Chầm, nơi tọa lạc của Huyền Không Sơn Thượng.

Huyền Không Sơn Thượng ở đâu

Đến với Huyền Không Sơn Thượng là đến với chốn tiên cảnh giữa rừng núi xứ Huế, bởi từ cách bày trí đến con người nơi đây đều thể hiện sự đơn giản và mộc mạc, hòa nhã. Vốn tọa lạc tại lưng chừng núi, được vây quanh bởi núi rừng nên không khí nơi đây quanh năm đều vô cùng dễ chịu và trong lành. Để có những trải nghiệm tốt nhất, du khách nên ghé thăm chùa vào buổi sáng, thời điểm khoảng tháng 5 đến tháng 8. Bởi thời điểm này, tiết trời xứ Huế không có mưa, thuận lợi để du khách di chuyển đường núi. Trong quá trình lên chùa, du khách cũng sẽ được ngắm nhìn cảnh vật vẫn đọng hơi sương, mây mù giăng kín núi, yên ả, vắng lặng, tựa như chốn “bồng lai tiên cảnh”.  Khi đã đến chùa, du khách có thể đi dạo quanh khuôn viên, thắp hương, hòa mình vào bầu không khí thiền tịnh, an nhiên để lòng được nhẹ nhõm và thanh thản hơn.

2.    Huyền Không Sơn Thượng được xây dựng vào năm nào?

Theo ghi chép, Huyền Không Sơn Thượng được xây dựng vào năm 1973, với quy mô nhỏ và được dựng chủ yếu bằng tre nứa, nằm ở phía Bắc đèo Hải Vân, huyện Phú Lộc. Vào năm 1976, thượng tọa Giới Đức được ngài Viên Minh đề cử giữ chức trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng. Sau nhiều lần trăn trở, vào năm 1978, sư Giới Đức quyết định dời chùa về Hương Hồ, cửa chùa hướng về phía Đông Nam và được xây dựng lại với quy mô lớn hơn. Xuôi theo tiến trình phát triển của thời gian, Huyền Không Sơn Thượng không chỉ là nơi tu học dành cho người xuất gia mà nơi đây còn là chốn sinh hoạt tâm linh cho người tại gia với nhiều hoạt động, lễ hội đặc sắc.

Huyền Không Sơn Thượng xây dựng từ năm nào

3.    Bên trong Huyền Không Sơn Thượng có gì?

3.1  Khuôn viên ngoại viên của Huyền Không Sơn Thượng.

Nơi đặt chân đầu tiên khi các du khách ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng là khuôn viên ngoại viên của chùa. Với độ rộng khoảng 6000m vuông, khuôn viên chùa được rải đầy những lớp đá xám, với đủ loại phong cảnh hữu tình được ví như bức tranh thủy mặc. Bao quanh khuôn viên là những tường rào cây xanh cùng hồ nước trong vắt, mỗi nắng mai đều có thể nghe rõ thanh âm ríu rít của chim muông, gió hát. Dọc theo những con đường trên đồi thông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những câu thơ được viết bằng thư pháp, những ngôi nhà thủy tạ năm mái đặc trưng mà chỉ khu Thư pháp đình này có. Những cảnh quan ấy dù không trầm lắng như vùng cố đô nhưng lại dịu dàng, bình yên khiến nơi đây trở nên đặc biệt và thu hút.

khuôn viên ngoại viên Huyền Không Sơn Thượng

3.2  Nghinh Lương đình.

Đến với Huyền Không Sơn Thượng, nếu du khách có sở thích thưởng trà, đàm đạo thì đừng bỏ lỡ địa điểm tiếp theo là Nghinh Lương đình nhé. Vì nơi đây được không chỉ để khách thập phương nghỉ chân mà còn là nơi được bày trí lí tưởng cho việc thưởng trà, đàm đạo. Vẫn đi theo những kiến trúc xưa, Nghinh Lưỡng đình sử dụng gỗ tạp để đựng và mái che được làm từ ngói móc, ba mặt đình được mở rộng, xung quanh là tầng tầng lớp lớp hoa quý. Bên trong đình thường được trưng bày thư pháp Việt – Hán cũng như các bức tranh hội họa, tranh tượng. Vậy nên, nơi đây cũng là một nơi được rất nhiều người ưa chuộng thư pháp ghé thăm.

Nghinh Lương Đình - Huyền Không Sơn Thượng

3.3  Khu chánh điện.

Với kiến trúc Việt Cổ đặc trưng, khu chánh điện của Huyền Không Sơn Thượng được lợp ngói đỏ đơn giản, từ tường, cột, vách đến các chi tiết nhỏ đều sử dụng vật liệu bằng gỗ, không sơn cũng chẳng phết màu. Chính giữa chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca, hai bên là tượng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và các vị Thánh Tăng. Ngoài ra, xung quanh khu chánh điện còn được điểm tô bằng các bình hoa và các bức thư pháp lớn. Với không khí trang nghiêm và thiêng liêng, khu chánh điện thường được chọn làm nơi đầu tiên để các du khách dâng hương cầu nguyện, rút quẻ bói bằng thơ.

khu chánh điện - Huyền Không Sơn Thượng

3.4  Tư Vân Am.

Sau khi rời chánh điện, người ta thường lựa chọn ghé thăm Tư Vân Am – nơi giải quẻ bói, nơi ở cũng là nơi tiếp khách của các vị trụ trì trong chùa. Sở dĩ, Huyền Không Sơn Thượng lựa chọn Tư Vân Am làm nơi giải quẻ cũng bởi vẻ đẹp nó mang lại khiến lòng người thập phần dễ chịu, con người dẫu có nặng lòng cũng vơi đi vài phần. Nơi đây được thiết kế đồng bộ với chánh điện, xung quanh là lớp lớp những hàng cây cổ thụ, hoa lan quý khiến không gian nơi đây trở nên thoáng đãng, trong lành. Trước mặt am được bố trí một hòn non bộ, điểm tô bằng những chậu phong lan, thân thảo lớn bé khác nhau. Vậy nên, đến với Tư Vân Am du khách không chỉ được lắng nghe những câu chuyện của các vị trụ trì mà còn được hòa mình vào chốn thiêng liêng, mây mù giữa rừng núi xứ Huế.

Tư Vân Am - Huyền Không Sơn Thượng

3.5  Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng.

Điểm nổi bật nhất của Huyền Không Sơn Thượng có lẽ phải kể đến rừng thiền – nơi tìm về thanh tịnh, bình an trong tâm. Rừng thiền được bao quanh là núi rừng và đồi thông, vốn nằm ẩn sâu trong thung lũng. Trước đây, nơi này chỉ có các phật tử trong chùa ghé đến, bởi con đường đến đây khá vắng, chỉ toàn ruộng lúa và cây cối. Sau này, khi Huyền Không Sơn Thượng được nhiều người biết đến hơn, nơi này cũng dần đông đúc khách thập phương ghé thăm. Để đến được rừng thiền, du khách chỉ cần đi theo các biển chỉ dẫn được đẽo từ gỗ, treo trên những mốc đá nhỏ ven đường.

rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng

Ngoài những địa điểm nổi bật trên, đến với Huyền Không Sơn Thượng du khách còn có thể ghé thăm các nơi như Chúng hòa đường, Tĩnh trai đường, Thanh tâm viên, Am mây tía,… để chụp ảnh lưu giữ làm kỉ niệm nhé.

Am Mây tía - Huyền Không Sơn Thượng

4.    Ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng nên lưu ý gì?

Huyền Không Sơn Thượng vốn là một quần thể chùa bao gồm rất nhiều: đình, am, viện… Vậy nên, khi ghé thăm nơi này hãy lên sẵn lịch trình và đem theo một bản đồ du lịch Huế để chủ động trong chuyến hành trình của mình. Ngoài ra, chùa Huyền Không Sơn Thượng là chốn thiền tịnh nên du khách cần lựa chọn trang phục phù hợp, tránh ồn ào. Lưu ý, du khách tránh ngắt hoa, bẻ lá, hại đến cảnh quan và không gian chùa. Nếu muốn quyên góp công đức nên bỏ trực tiếp vào hòm, không đưa cho các sư thầy, tăng ni trong chùa nhé.

lưu ý khi đi Huyền Không Sơn Thượng

5.    Lời kết.

Có thể thấy, Huyền Không Sơn Thượng là một trong những điểm đến thiền tịnh nhất mà các du khách không thể không đến khi đi du lịch Huế. Đến với Huyền Không Sơn Thượng ngoài việc được tìm hiểu về Phật Giáo nơi đây, du khách còn được thưởng thức nét đẹp cổ kính, những kiến trúc nhuốm màu thời gian, trải nghiệm thứ không khí êm dịu, mờ ảo tựa tiên cảnh giữa rừng núi xứ Huế. Vậy nên, trong chuyến hành trình tìm về chốn tịnh yên đừng bỏ lỡ Huyền Không Sơn Thượng nhé.

Xem thêm: Thờ cúng Vua Hùng Vương – Tín ngưỡng lâu đời đẹp đẽ của người Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201