Địa đạo Vĩnh Mốc – ngôi làng dưới lòng đất Quảng Trị

Địa đạo Vĩnh Mốc – di tích Quốc gia đặc biệt tại Quảng Trị, nơi tồn tại những ngôi làng dưới lòng đất làm nên lịch sử huyền thoại. Nhắc đến địa đạo tại Việt Nam, người ta không thể không nghĩ tới địa đạo Vĩnh Mốc, nơi thấm đẫm máu của những người anh hùng làm nên những bản ca tráng hào hùng, lưu dấu những di tích lịch sử đồ sộ và đắt giá. Vậy địa đạo Vĩnh Mốc đã để lại những dấu ấn nào trong bề dày lịch sử Việt Nam, tạo thành một di tích Quốc gia đặc biệt với những ngôi làng dưới lòng đất, hãy theo chân Hành Hương Việt cùng tìm hiểu nhé.

1.    Địa đạo Vĩnh Mốc nằm ở đâu?

Địa đạo Vĩnh Mốc vốn là một công trình quân – dân sự trong Chiến tranh Việt Nam, thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía Bắc. Theo ghi chép, vào những năm 1965 đến 1972, hệ thống địa đạo nằm ở phía Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, được phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xây dựng nhằm chống lại các cuộc tấn công của phía Việt Nam Cộng hòa và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Địa đạo Vĩnh Mốc ở đâu

Để di chuyển đến địa đạo Vĩnh Mốc, du khách có thể lựa chọn điểm xuất phát chính là trung tâm hành chính – thương mại của thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, hướng ra phía Bắc sẽ đến được địa đạo Vĩnh Mốc. Với tuyến đường này, du khách sẽ mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe dọc theo quốc lộ 1A, sau đó rẽ vào nhánh đường nhỏ rợp những lũy tre xanh ngắt xuôi xuống biển, tiến vào địa phận thôn Vịnh Mốc, đi thêm 1km sẽ đến được khu di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vĩnh Mốc.

2.    Địa đạo Vĩnh Mốc xây dựng từ khi nào?

Xuôi theo dòng lịch sử, vào năm 1965, đế quốc Mỹ đã tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không lực, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu công kích hàng đầu. Trong suốt 7 năm tiếp theo, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá với tổng cộng hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại. Tính bình quân, mỗi người dân nơi đây phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Trước những trận bom được trút xuống như vũ bão, với ý chí kiên cường, quyết không lùi bước trước kẻ thù xâm lược, vào đầu năm 1965, người dân đã âm thầm xây dựng một công trình to lớn dưới lòng đất, nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển, lấy tên là hầm Sơn Vinh, sau đổi thành địa đạo Vĩnh Mốc. Đến ngày 18/02/1966, địa đạo Vĩnh Mốc được hoàn thành, người dân chính thức chuyển cuộc sống từ trên mặt đất xuống dưới lòng đất.

Địa đạo Vĩnh Mốc xây dựng từ khi nào

3.    Địa đạo Vĩnh Mốc có gì?

3.1  Phòng chiếu phim tư liệu của địa đạo Vĩnh Mốc.

Ghé thăm địa đạo Vĩnh Mốc, nơi đầu tiên du khách được đặt chân đến chính là phòng chiếu phim tư liệu, nơi đây lưu giữ hơn ngàn thước phim về những năm tháng hào hùng của dân tộc ta nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng. Đến với di tích Quốc gia đặc biệt này, du khách sẽ được xem thước phim “Vĩnh Mốc một huyền thoại”, thước phim không chỉ ghi lại những cảnh sinh hoạt của người dân dưới lòng đất mà nó còn là thước phim ghi lại sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh dũng, mưu trí của những người chiến sĩ cách mạng. Ngoài những trải nghiệm về cảm xúc, qua những thước phim nhuốm màu thời gian tàn khốc, du khách còn được tìm hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, về người đã thiết kế và xây dựng nên địa đạo Vĩnh Mốc – ông Lê Xuân Vi.

phòng chiếu phim Địa đạo Vĩnh Mốc

3.2  Giếng thông hơi của địa đạo Vĩnh Mốc.

Tiếp tục chuyến tham quan, du khách sẽ được các hướng dẫn viên đưa đến Giếng thông hơi – nơi cung cấp không khí cho con người sinh sống đồng thời cũng là nơi để chuyển đất đá ra ngoài khi đào địa đạo. Trong quá trình đào địa đạo Vĩnh Mốc, người ta đã đưa ra ngoài được khoảng 6000m khối đất đá, với lượng đất đá lớn như thế người dân thường đổ ra biển vào ban đêm để thủy triều, sóng cuốn đi, những nơi không gần biển sẽ đổ vào các hố bom để che giấu. Không giống với những chiếc giếng thông thường, Giếng thông hơi có trục quay bằng gỗ chắc chắn, bán kính miệng giếng lớn tạo thành một con đường từ mặt đất thông xuống địa đạo Vĩnh Mốc. Trong thời chiến, những chiếc Giếng thông hơi được che phủ bởi lớp lũy tre già, sau này, người dân muốn lưu giữ nơi đặt nhát cuốc đầu tiên của địa đạo Vĩnh Mốc nên đã thiết kế thêm mái che, đổ bê tông, tu sửa lại.

giếng thông hơi Địa đạo Vĩnh Mốc

3.3  Nhà trưng bày hiện vật và bãi trưng bày vỏ bom.

Nối tiếp hành trình, du khách sẽ được tham quan nhà trưng bày hiện vật và bãi trưng bày vỏ bom. Với nhà trưng bày hiện vật, từ bên ngoài tiến vào, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức ảnh trắng đen, nơi lưu giữ cả một hành trình đào địa đạo đến lúc tổng tiến công giành lấy hòa bình, những bức ảnh về những con người anh hùng với cuộc sống khắc khổ nhưng không hề lùi bước. Vào sâu bên trong, là nơi trưng bày các công cụ đào địa đạo, các loại vũ khí phục vụ cho chiến tranh, đặc biệt, nằm ở trung tâm chính là sơ đồ cấu trúc làng địa đạo Vĩnh Mốc.

nhà trưng bày vỏ bomĐịa đạo Vĩnh Mốc

Đối với bãi trưng bày vỏ bom – nơi lưu giữ những loại bom còn sót lại từ năm 1965 đến năm 1972, với đủ loại kích thước lớn nhỏ khác nhau. Bãi trưng bày vỏ bom vẫn còn thiếu nhiều chủng loại bom, nhưng chỉ với số lượng vỏ bom đó thôi đã đủ để thấy được được sự tàn khốc của chiến tranh, của chính đế quốc Mỹ đem đến mà con người Quảng Trị phải gánh năm đó.

vỏ bom Địa đạo Vĩnh Mốc

3.4  Địa đạo Vĩnh Mốc – ngôi làng dưới lòng đất Quảng Trị.

Địa điểm tham quan cuối cùng mà du khách được ghé đến chính là địa đạo Vĩnh Mốc – nơi sinh hoạt dưới lòng đất của người dân nơi đây. Hệ thống địa đạo Vĩnh Mốc bao gồm 13 cửa hầm, trong đó có 7 cửa hầm thông ra biển, 5 cửa hầm thông lên đồi và được xây dựng thành 3 tầng chính, với nhiều phòng ốc phục vụ cho các mục đích khác nhau. Trong ngôi làng dưới lòng đất Quảng Trị, ở tầng địa đạo thứ nhất, có độ sâu khoảng 12m, dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn; ở tầng thứ hai cách mặt đất 15m, được dùng làm nơi ở và sinh hoạt của người dân và tầng cuối cùng có độ sâu khoảng 23m và cao hơn mực nước biển 3m, được dùng để cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược cho đảo Cồn Cỏ và quân dân trong hầm… Ðể bảo đảm an toàn và sinh hoạt thuận lợi cho hàng trăm con người, bên trong đường hầm được chia cắt, đào thành từng ô nhỏ vừa đủ để ba đến bốn người ở, mỗi ô cách nhau 4m.

Địa đạo Vĩnh Mốc - ngôi làng dưới lòng đất Quảng Trị

Ngày nay, khi di chuyển xuống dưới đường hầm, các du khách sẽ được tham quan những nơi như nhà hộ sinh, hàm trú ẩn chữ A, cảnh một gia đình 4 người sinh hoạt, trạm xá…

Địa đạo Vĩnh Mốc - ngôi làng dưới lòng đất

4.    Những lưu ý khi đến tham quan địa đạo Vĩnh Mốc.

Địa đạo Vĩnh Mốc vốn là nơi nằm dưới lòng đất, được trải rộng khắp thôn Vịnh Mốc, trên đường đi ngoài được phủ kín các hàng trúc già, chỉ có một số con đường ở ngoài địa đạo được trải đá, sâu xuống dưới sẽ là nền đất khá trơn, vậy nên khi ghé thăm nơi này các du khách cần lưu ý nên đi giày thể thao, trang phục thoải mái. Với những du khách thích khám phá, không đi theo đoàn thì nên đem theo đèn pin và nước uống, vì với địa hình sâu dưới lòng đất thì hệ thống đèn sẽ sáng yếu, thậm chí có những đoạn đường không được trang bị đèn. Vậy nên, hãy chuẩn bị cho mình thật đầy đủ các loại tư trang cơ bản để có một chuyến tham quan thuận lợi nhất nhé.

lưu ý khi đến Địa đạo Vĩnh Mốc

5.    Lời kết.

Từ bài viết này, có thể thấy địa đạo Vĩnh Mốc không chỉ là một công trình vô cùng độc đáo, sáng tạo của cha ông để lại mà nó còn mang cả giá trị lịch sử, biểu tượng cho một lớp người yêu nước bất diệt, nguyện chết để giữ vững mảnh đất quê hương. Đến với vùng đất “khói lửa hào hùng”, lớp lớp những di tích lịch sử được khắc họa rõ nét, sinh động, du khách đừng quên ghé thăm địa đạo Vĩnh Mốc – ngôi làng dưới lòng đất Quảng Trị này nhé.

Xem thêm: Huyền Không Sơn Thượng – tiên cảnh giữa núi rừng xứ Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201