Đại Nội Hoàng Cung – nét đặc sắc của kiến trúc thời Nguyễn

Đến với Đại Nội Hoàng Cung là đến với những nét đặc sắc của kiến trúc thời Nguyễn, nơi tập trung tất thảy những hiện vật, công trình đồ sộ, mang dấu ấn lịch sử của một vương triều. Theo chân Hành Hương Việt tìm hiểu về Đại Nội Hoàng Cung, du khách sẽ được trải nghiệm lại “con đường” đưa một phế tích vươn tầm Di sản thế giới, tìm về những giá trị vật thể và phi vật thể, sớm bị sự tàn khốc của năm tháng chôn vùi, phủ bụi.

1.    Tại sao gọi là Đại Nội Hoàng Cung?

Theo sử sách ghi lại, Đại Nội Hoàng Cung được gọi là Thuận Hóa hoàng thành hay Kinh Thành Huế, đây vốn là một tòa thành cổ thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, nhưng người dân vẫn quen gọi nơi này là Đại Nội Hoàng Cung. Tương truyền, vào thời Nguyễn, việc tuyển chọn người đưa vào cung được kiểm soát gắt gao, những người được chọn một khi đặt chân vào hoàng thành sẽ chẳng trở ra được nữa, vậy nên Đại Nội có nghĩa là đi vào trong, thể hiện cho những số phận bị vây giữ nơi cung cấm.

tại sao gọi là Đại Nội Hoàng Cung

Sở dĩ, lựa chọn đặt Đại Nội Hoàng Cung ở Huế vì đây là khu vực địa lí nằm giữa hai đầu đất nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý và đưa tin đến hai miền đất nước của triều đình. Ngoài ra, nơi đây còn có phong thủy phù hợp, vì đối diện Đại Nội Hoàng Cung sẽ là sông Hương, trên sông Hương lại có hai cồn là Cồn Hến và Cồn Dã Viên, phía trước có núi Ngự Bình che chắn, bảo vệ kinh thành. Cũng có một cố sự hay được người dân nơi đây truyền miệng, trước khi chọn dời đô, nhà vua đã đến chùa Thiên Mụ để xin Bà Trời chỉ cho vị trí đắc địa. Trước tấm lòng thành kính, Bà Trời bảo vua Gia Long hãy thắp nén hương cưỡi ngựa chạy ngược dòng sông Hương, đi đến đâu nén hương tắt thì đó chính là vị trí định đô của nhà Nguyễn. Và ngay đoạn uốn hình vòng cung bên cạnh sông Hương (địa điểm của Kinh Thành Huế hiện tại), nơi hội tụ đủ núi, sông đất đai bằng phẳng thì nén hương vụt tắt, vua liền theo ý dời đô đến đây.

2.    Đại Nội Hoàng Cung được xây dựng từ khi nào?

Đại Nội Hoàng Cung được khởi công xây dựng vào năm 1804, nhưng mãi đến đời vua Minh Mạng (1833) toàn bộ công trình vương triều mới được hoàn chỉnh, vỏn vẹn 27 năm, nơi đây đã xây dựng lên đến 147 công trình có diện tích lớn nhỏ khác nhau. Tồn tại cùng thời gian, Đại Nội Hoàng Cung gặp không ít những biến cố, nhưng nơi đây vẫn là Cố đô duy nhất còn lưu giữ được tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đền khá nguyên vẹn. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật nhà Nguyễn thế kỷ XIX.

Đại Nội Hoàng Cung xây dựng từ khi nào

Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, các cung điện thuộc Đại Nội Hoàng Cung đã bị tàn phá một cách khốc liệt, đỉnh điểm là vào Xuân Mậu Thân năm 1968, nơi đây đã bị B52 rải bom, Tam Cung Lục Viện trở thành đống đổ nát, nhiều thành lũy, cung điện bị hư hại đến biến dạng, chỉ còn lại khu phế tích. Sau này, vì muốn tìm lại, lưu giữ những giá trị lịch sử, những kiến trúc cha ông để lại, Đại Nội Hoàng Cung đã được trùng tu nhiều lần. Đến ngày 11/12/1993, Đại Nội Hoàng Cung từ một khu phế tích trở thành một phần của Quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

3.    Đại Nội Hoàng Cung ở đâu?

Đại Nội Hoàng Cung nằm ở bờ Bắc sông Hương, thuộc địa phận thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vốn thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, ở Huế sẽ có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa nên để có những trải nghiệm thú vị, du khách có thể ghé thăm Huế vào thời điểm từ tháng 1 đến đầu tháng 8, vì tiết trời tại thời điểm này vô cùng mát mẻ và khô ráo.

Đại Nội Hoàng Cung ở đâu

Vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng, lại nằm ở trung tâm thành phố Huế, việc lựa chọn các phương tiện di chuyển đến Đại Nội Hoàng Cung của du khách cũng sẽ thuận lợi hơn. Trong đó, du khách có thể lựa chọn phương tiện như taxi, xe máy hoặc thuê ô tô nếu đi cùng gia đình, với những du khách có mong muốn được sống chậm lại, hòa mình với thành phố mộng mơ trước khi tiến vào đại nội trang nghiêm, thì có thể lựa chọn đi xích lô – một phương tiện vừa thân thiện với môi trường lại thích hợp cho việc ngắm cảnh quan xứ Huế.

đi xích lô đến Đại Nội Hoàng Cung

4.    Đại Nội Hoàng Cung có công trình kiến trúc ấn tượng nào?

4.1 Khu Hoàng Thành.

Đến với Đại Nội Hoàng Cung, lớp thành đầu tiên chúng ta bước vào là Phòng Thành, nối tiếp lớp thành này chính là khu Hoàng Thành – nơi làm việc của triều đình đồng thời là nơi thờ cúng tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn. Hoàng Thành vốn được tạo nên bởi vô số kiến trúc, cảnh quan, hiện vật, mà mỗi thứ trong đó đều là những kiệt tác của vua, chúa thời Nguyễn. Trải qua hơn 200 năm bảo tồn và phát triển, bên trong Hoàng Thành lưu giữ gần 50 công trình lớn nhỏ với 4 cửa ra vào chính.

Khu Hoàng Thành - Đại Nội Hoàng Cung

Vào trong Hoàng Thành, địa điểm tham quan đầu tiên là Ngọ Môn – nơi tổ chức các lễ lớn như lễ Ban Sóc, lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô, đồng thời đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Nối tiếp Ngọ Môn, du khách sẽ được tham quan Thái Hòa Điện – nơi cử hành các lễ Đại Triều như lễ Vạn Thọ, lễ Đăng Quang… Rời khỏi khu vực cử hành đại lễ, du khách sẽ được đưa đến khu vực miếu thờ gồm Triệu Tổ Miếu thờ Nguyễn Kim, Thái Tổ Nguyễn thờ chúa Nguyễn… Ngoài ra, du khách sẽ được tham quan các nơi như Trường Sanh cung, Diên Thọ cung, vườn Cơ Hạ, phủ Nội Vụ…

Ngọ Môn - Đại Nội Hoàng Cung

4.2 Khu Tử Cấm Thành.

Nói đến những nét đặc sắc của kiến trúc thời Nguyễn tiếp theo, người ta không thể không kể đến lớp thành trong cùng là Tử Cấm Thành, nằm sau lưng điện Thái Hòa – nơi sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804 với thiết kế hình chữ nhật, có tổng chu vi khoảng 1.230m, bao gồm nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào, trong đó, có một cửa chính gọi là Ðại Cung Môn, nơi chỉ dành cho vua ra vào. Tử Cấm Thành được xây dựng hoàn toàn bằng gạch vồ, mái ngói được lợp bằng đá lưu ly, có độ dốc vừa đủ, trên mái được điêu khắc hình những đám mây, rồng tỉ mỉ, tinh tế, nhằm để tượng trưng cho hình ảnh của Hoàng gia vừa uy nghiêm lại bất khả xâm phạm.

Khu Tử Cấm Thành - Đại Nội Hoàng Cung

Dọc theo các hành lang cung điện trong Tử Cấm Thành, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những họa tiết rồng bay, phượng múa trải khắp các cánh cửa, trần nhà, những điêu khắc hoa văn độc đáo quyện chung với màu đỏ thuần từ gỗ, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, vương giả. Tiến vào trong Tử Cấm Thành, du khách sẽ lần lượt được tham quan Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Cung Khôn Thái, Điện Kiến Trung, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường…

Khu Tử Cấm Thành - Đại Nội Hoàng Cung

5.    Đại Nội Hoàng Cung có lễ hội gì đặc sắc?

Huế vốn là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử với nhiều nền văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, nơi đây còn chứa đựng và lưu giữ vô số di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng. Khi đến Đại Nội Hoàng Cung, du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những kiến trúc thời Nguyễn mà du khách còn được tham gia vào các lễ hội đặc sắc tại chính nơi này.

lễ hội Đại Nội Hoàng Cung

Vào tháng 1 kéo dài đến tháng 3, tại cổng Ngọ Môn sẽ tổ chức lễ hội Mùa Xuân “Sắc xuân giao hòa” với các hoạt động như: Tái hiện lễ ban Sóc (lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn); Lễ Thướng Tiêu tại Triệu Miếu, tổ chức theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu báo hiệu ngày Tết; Lễ tế Xã Tắc hay Triển lãm “Chế độ y quan Triều Nguyễn”…

lễ hội Đại Nội Hoàng Cung

Thời điểm tháng 4 đến tháng 6 sẽ diễn ra Lễ hội Mùa Hạ với hoạt động chính là tổ chức Festival Huế “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển”, nhằm tôn vinh di sản văn hóa Đại Nội Hoàng Cung Huế. Ngoài ra, còn rất nhiều lễ hội được tổ chức, diễn ra theo từng tháng trong năm như Lễ hội mùa Thu quyến rũ (khoảng tháng 7 – 9), Lễ hội “Giai điệu Mùa Đông” (tháng 10 – 12),…

6.    Lời kết.

Qua bài viết này, có thể thấy, Đại Nội Hoàng Cung Huế không chỉ là nơi mang đậm dấu ấn lịch sử, nét đặc sắc của những kiến trúc cung đình cổ kính thời Nguyễn, mà nơi đây còn là điểm tựa của những giá trị văn hóa, tinh thần, nơi lưu giữ vẻ đẹp vàng son của triều đại nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Vậy nên, nếu đã đến với Huế mộng mơ, du khách đừng ngại ngần tiến thêm bước nữa vào vùng Đại Nội Hoàng Cung uy quyền, vương giả này nhé.

Xem thêm: Lăng Gia Long – Bí ẩn lăng mộ phong thủy bậc nhất Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201