Lịch sử Thánh địa La Vang: thực hư chuyện Đức Mẹ hiển linh năm 1798?

Thánh địa La Vang – một địa danh nổi tiếng không thể bỏ qua khi đặt chân lên vùng đất Quảng Trị. Xuôi dòng hành hương về vùng đất cổ linh thiêng này, du khách đến đây không chỉ riêng những người Công giáo mà có cả những người theo đạo khác hoặc không theo đạo. Thánh địa La Vang hôm nay là chốn dừng chân cho những người đến tìm Đức mẹ để xin cầu lợi lạc, hoặc chỉ đơn giản đến để tìm chút bình yên giữa lo toan bộn bề cuộc sống. Theo chân Hành Hương Việt, chúng tôi sẽ giới thiệu về Thánh địa La Vang – vùng đất lịch sử mang trên mình một huyền thoại mà bao đời người dân vẫn còn lưu giữ.

I. Thánh địa La Vang ở đâu?

thánh địa La Vang

Thánh địa La Vang nằm trong khu vực Dinh Cát (hay còn gọi là Cát Dinh, vì Dinh được xây dựng trên một vùng đất cát vào thế kỷ XVI đời chúa Nguyễn Hoàng), thuộc địa phận thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Từ TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác, bạn có thể đến Thánh địa La Vang bằng nhiều loại phương tiện như tàu hỏa, xe khách, thậm chí là xe máy nếu khoảng cách không quá xa. Trung bình từ Huế đến La Vang chỉ tầm 54km hoặc từ Đà Nẵng thì khoảng 160km. Bạn có thể lựa chọn phương tiện cho phù hợp.

II. Vì sao gọi là La Vang?

Nói về nguồn gốc tên gọi La Vang, bất kỳ người dân địa phương nào cũng sẽ kể cho bạn nghe về 2 câu chuyện được tương truyền là nguyên nhân của tên gọi Thánh địa La Vang.

Câu chuyện thứ nhất, người ta cho rằng ngày xưa khi vùng đất này còn hoang sơ, người đi rừng thường dễ bị thú dữ như cọp, beo tấn công nếu bất cẩn. Vì vậy, họ thường đi cùng nhau và thay phiên canh trực buổi tối. Khi phát hiện thú dữ, họ sẽ la lên để kêu cứu, tiếng la vang vọng khắp núi rừng nên gọi vùng đất này là La Vang. Hoặc đơn giản là khi giáo dân có việc gì cần kêu gọi thì phải la to vì xứ này cây rừng dày đặc nên nếu nói nhỏ sẽ không thể nghe thấy.

lá vằng
Lá vằng – một vị thuốc nam chữa nhiều bệnh

Truyền thuyết thứ hai lại mang đậm yếu tố tôn giáo hơn vì người ta tin rằng khi xưa, lúc dịch bệnh hoành hành, Đức Mẹ vì thương dân mà hiện thân chỉ cho họ loại cây thuốc tên “lá vằng” có thể chữa khỏi bệnh. Sau khi được cứu sống, người dân lấy tên gọi của loại cây này đặt làm tên của vùng đất để ghi nhớ ơn Đức Mẹ, “lá vằng” bỏ dấu thành tên Thánh địa La Vang ngày nay. Đây là loại cây thuốc rất tốt cho sức khỏe nên ngày nay người ta vẫn dùng để nấu uống.

III. Sự tích Đức Mẹ La Vang hiển linh

đức mẹ La Vang hiển linh

Đối với người dân Công giáo nơi đây, Đức Mẹ có ơn lớn cưu mang mạng sống và ban ơn, cứu giúp khi họ gặp khó khăn. Sự kiện Đức Mẹ hiển linh vào năm 1798 đã làm nên lịch sử.

Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám Mục Huế – 1998, vào thời vua Cảnh Thịnh (1792 – 1801), giáo dân ở gần vùng đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải đi lẩn trốn ở núi rừng La Vang vì chiếu chỉ cấm đạo do vua ban hành vào ngày 17 tháng 8 năm 1798. Lúc này rừng núi còn rất hoang sơ, điều kiện ngặt nghèo. Dưới tình thế nguy cấp do thiếu đồ ăn thức uống trầm trọng tại nơi rừng thiêng nước độc, lại phải ngày đêm sống trong nỗi sợ hãi thú dữ tấn công và bệnh tật, các tín hữu chỉ còn cách một lòng cầu cứu Chúa và Đức Mẹ. Ngày ngày, họ hẹn nhau tụ tập dưới gốc cây đa cổ thụ để cùng cầu nguyện Đức Mẹ hiển linh, cũng là để an ui và giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn.

Một hôm, khi đang lần chuỗi hạt kính Đức Mẹ, họ thấy hóa thân của Đức Trinh Nữ Maria hiển linh với hình tượng người phụ nữ xinh đẹp mặc áo choàng rộng, trên tay bồng Chúa Hài Đồng và có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Đức Mẹ nhân từ đã âu yếm, an ủi giáo dân vượt qua cơn khốn khó và chỉ dạy họ hái một loại cây thuốc (lá vằng) về nấu nước uống có thể chữa được nhiều chứng bệnh.

Đức Mẹ chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi rồi biến mất. Trước đó, Đức Mẹ có ban lời hứa rằng sẽ ban ơn theo ý nguyện cho bất cứ ai đang gặp nguy khó và đến Mẹ cầu xin. Vì vậy, sau này tín đồ tìm đến Thánh địa La Vang để cầu nguyện rất nhiều, với niềm tin và lòng thành tâm rằng Đức Mẹ sẽ hiển linh và giúp đỡ họ.

Sau sự kiện Đức Mẹ La Vang hiển linh đó, người ta truyền tai nhau rằng Đức Mẹ còn xuất hiện thêm vài lần nữa để an ủi và cứu giúp con cái của Mẹ trong cơn hoạn nạn.

IV. Theo dòng lịch sử: Thánh Địa La Vang có gì?

đền La Vang xưa

Từ sau sự kiện Đức Mẹ La Vang hiển linh vào năm 1798, nền của một miếu thờ Bà (không rõ là Bà Quan Âm hay bà chúa Liễu Hạnh) bằng tranh dưới gốc cây đa và rào sơ bốn mặt do những người đi rừng xây cất được nhường để xây đền thờ tôn kính Mẹ Maria.

Từ 1924 – 1929, công trình tháp chuông của Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang được xây dựng  ở trung tâm của khu Thánh địa và được đại trùng tu vào năm 1959. Đến mùa hè năm 1972, Vương Cung Thánh Đường đã bị hủy hoại gần như toàn bộ vì chiến tranh, chỉ còn lại duy nhất di tích tháp chuông. Ngày nay, tháp chuông vẫn còn được lưu giữ như một di tích lịch sử và được trùng tu định kỳ.

tháp chuông La Vang

Phía trước di tích tháp chuông là một quảng trường rộng với một loạt 14 tác phẩm điêu khắc của Đàng Thánh Giá được đặt ở hai bên quảng trường, diễn tả lại các cột mốc trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Thánh địa La Vang mới

Về sau, Vương cung Thánh đường mới được xây dựng kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên: ngày 15 tháng 8 năm 2012. Ngôi Thánh đường được thiết kế theo phong cách Á Đông và được xem như một trong những công trình lớn nhất của Giáo Hội Việt Nam với sức chứa lên đến hơn 5000 người.

tượng đức mẹ La Vang

Tượng Đức Mẹ được tái hiện qua hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài truyền thống Việt Nam, trên tay bế đứa bé cũng mặc trang phục truyền thống của Việt Nam. Tượng Mẹ được đặt nhiều trong khu Thánh địa, đặc biệt phải kể đến hình tượng Đức Mẹ La Vang ở chính giữa ba cây đa được đặt gần gốc cây đa cổ thụ được cho là nơi Đức Mẹ đã hiện thân khi xưa.

giếng nước La Vang

Đặc biệt, trong khuôn viên của Thánh địa La Vang có một giếng nước. Người ta thường đến đây uống một ngụm nước từ giếng này để bày tỏ lòng thành kính với Đức Mẹ và nhiều người còn tin rằng uống thứ nước này còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh trong cơ thể.

V. Lễ hội hành hương Thánh địa La Vang (Kiệu La Vang)

lễ hội hành hương La Vang

Như một truyền thống, vào ngày 15 tháng 8 hằng năm, người dân lại tổ chức “Kiệu” (lễ hội hành hương). Cách 3 năm sẽ tổ chức một “Kiệu” lớn, gọi là “Đại Hội La Vang”. Đại hội được tổ chức với nghi lễ long trọng cùng sự tham dự của nhiều Giám Mục, linh mục, tu sĩ và hàng trăm ngàn giáo dân từ trong nước cũng như nước ngoài.

Có một nghi thức đặc biệt được thực hiện một cách chỉn chu và long trọng trong Đại hội để bày tỏ niềm tôn kính Đức Mẹ La Vang, đó là rước kiệu Đức Mẹ. Trong Đại hội còn có một đêm diễn nguyện và chầu Thánh Thể bên Mẹ, long trọng nhất là thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cũng là lễ bế mạc của hội.

VI. Lời Kết

Thánh địa La Vang quả thật không chỉ là công trình tôn giáo vĩ đại mà còn xứng đáng là di tích lịch sử của dân tộc. Đến với Quảng Trị thân thương, du khách đừng quên ghé thăm nơi đặc biệt này. Nếu không phải đến để cầu xin Đức Mẹ ban ơn, bạn vẫn có thể dừng chân tại nơi đây để tận hưởng sự bình an và tĩnh tâm tại ngoại.

Xem thêm: Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang – Ngôi đình tổ danh tiếng của Phật giáo xứ Đàng trong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201