Pháp viện Minh Đăng Quang – nơi quy tụ 4 kỷ lục quốc gia Việt Nam

Nhắc đến Pháp viện Minh Đăng Quang, người ta nghĩ ngay đến ngôi chùa thanh tịnh nằm giữa lòng Sài Gòn xô bồ và tấp nập. Hãy cùng Hành Hương Việt tìm ra những điểm nổi bật có tại Pháp viện Minh Đăng Quang trong bài viết dưới đây nhé.

1. Tại sao gọi là Pháp viện Minh Đăng Quang?

Minh Đăng Quang (1923 – 1954) là một tu sĩ Phật giáo và là người khai sơn hệ phái Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Sau 10 tháng sinh ra Sư, nghĩa mẫu của ngài lâm bệnh nặng và không thể qua khỏi. Kể từ đó, cuộc sống của Sư đã phải trải qua nhiều thăng trầm, bao gồm cả việc chứng kiến người vợ và người con nhỏ lần lượt qua đời vì những lần đau ốm. Cám cảnh vô thường, Sư quyết chí đi tu. Sau nhiều năm tu tập và thiền định, Sư đã giác ngộ ra lý “vô thường vô ngã”, “khổ vui của cuộc đời”,…và ngộ được lý pháp “thuyền Bát Nhã, ngược dòng đời cứu độ chúng sinh”.

tại sao gọi là Pháp viện Minh Đăng Quang

Để tưởng nhớ Tổ sư của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam – Sư Minh Đăng Quang, Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Đệ nhất Trưởng Giáo đoàn IV Hệ phái Khất Sĩ đã có ý tưởng sáng lập Pháp viện từ năm 1968.

Ngoài việc được biết đến là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và thanh tịnh, nơi đây còn được biết đến như một ngôi chùa tổ chức nhiều hoạt động đào tạo cho phật tử. Chính vì lẽ đó mà Minh Đăng Quang được gọi với danh xưng là Pháp viện.

2. Pháp viện Minh Đăng Quang ở đâu?

Ban đầu, Pháp viện được xây dựng trên một vùng đất nguyên là bãi đổ rác của thành phố Hồ Chí Minh với diện tích là 62.000m2 với mong muốn làm một trung tâm hoằng pháp lâu dài và đáp ứng được sự phát triển của Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam trong tương lai.

Được biết rằng, những ngày đầu, Pháp viện chỉ là một ngôi chánh điện nhỏ được cất tạm và một số am cốc bằng tre. Tuy hoàn cảnh lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn nhưng các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại Đức Tăng trong giáo đoàn đã cùng nhau san lấp, dọn dẹp, vun xới để Pháp viện có một diện mạo ngày một khang trang hơn.

Pháp viện Minh Đăng Quang ở đâu

Đến năm 1989, các Chư Tôn đức trong giáo đoàn đã cùng nhau phát động phong trào trồng cây xanh tạo cảnh quan cho Pháp viện. Cũng chính vì lẽ đó mà quang cảnh Pháp viện ngày nay được bao phủ bởi những bóng cây cổ thụ vốn đã được trồng từ rất lâu.

Ngày 28 tháng 6 năm 2009 đã diễn ra lễ khởi công trùng tu lớn nhất của Pháp viện Minh Đăng Quang dưới sự chứng kiến của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên cùng các Hòa thượng, Chư Tôn đức và lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự thành hội Phật giáo TP. HCM.

Sau quá trình trùng tu, diện tích của Pháp viện còn lại là 37.490m2 ở mặt tiền xa lộ Hà Nội. Bên cánh hữu là đại lộ Đông Tây và mặt sau Pháp viện là đường Lương Định Của. Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, Pháp viện Minh Đăng Quang còn được nhiều bạn bè trên thế giới biết tới và còn được coi là nơi giao lưu Phật giáo quốc tế.

Pháp viện Minh Đăng Quang ở đâu

Ngày nay, Pháp viện Minh Đăng Quang đã có địa chỉ chính thức tại số 505, Xa lộ Hà Nội, Phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

3. Những dấu ấn nổi bật tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Phong cách kiến trúc, nhìn vào có lẽ sẽ khiến khách du lịch cảm thấy bị choáng ngợp bởi diện tích khổng lồ giữa chốn thị thành tấp nập “đất chật người đông” này. Tuy nhiên, khi bước vào cổng tam quan tại quần thể di tích Pháp viện Minh Đăng Quang, người ta mới có thể cảm nhận hết thẩy những dư vị trong lành, thoáng đãng dễ chịu của những hàng cây cổ thụ rợp bóng – cái không khí đáng lẽ ra sẽ không thể tìm được ở nơi nhộn nhịp như Sài Thành. Đó là thành quả của việc vận động trồng cây xanh tạo cảnh quan do Pháp viện chủ trương năm 1989.

Đi sâu vào bên trong là khu chánh điện nằm ở trung tâm Pháp viện. Kết cấu của khu trung tâm Pháp viện được xây dựng trong phạm vi chiều ngang 40m, dài 70m và được xây cao 3 tầng. Trong đó, ngôi chánh điện hình bát giác được xây dựng ở tầng trên với bán kính lên đến 32 mét. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng dưới là thiền đường rộng 24 mét và dài 50 mét. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế Niết-bàn. Tầng dưới là giảng đường rộng 40 mét và dài 50 mét. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa và vô cùng ấn tượng.

dấu ấn nổi bật tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Tại đây, du khách còn có cơ hội chiêm bái tôn tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm, Đức Bồ Tát Di Lặc và Tổ Sư Minh Đăng Quang. Không gian nơi đây vô cùng tôn nghiêm và thanh tĩnh với những hàng cây tỏa bóng mát. Xung quanh khuôn viên là những biệt thất tịnh tu của Chư Tăng cùng với thư viện, dãy Tăng Đường, khu sinh hoạt của Phật tử,…Sự kết hợp độc đáo trong phong cách kiến trúc đã tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Phật Giáo.

dấu ấn nổi bật tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Bao quanh quần thể kiến trúc Pháp viện Minh Đăng Quang là 4 ngôi tháp. Trong đó, tháp bên phải được gọi là tháp Xá Lợi Phất, tháp bên trái là tháp Ca Diếp thờ 7 Đức Phật quá khứ và Lịch Đại Tổ Sư. Hai bảo tháp này được thiết kế hoàn toàn giống nhau, bao gồm 9 tầng và chiều cao lên đến 37 mét. Trên mỗi bảo tháp còn được thiết kế với hình ảnh 4 ngôi sao. Đây chính là biểu tượng đại diện cho Tứ thiên vương hầu Phật. Ngoài ra, hai tháp ở phía sau là nơi thờ linh cốt của Chư tăng và Phật tử.

dấu ấn nổi bật tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Cây bồ đề quý tại Pháp Viện Minh Đăng Quang được hòa thượng Phó Tăng Thống đại hiệu A.Wajirajothi Maha Thera kính tặng nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ Sư vắng bóng. Điều đặc biệt là cây bồ đề này được chiết từ cội bồ đề trên 2000 năm tuổi tại Sri Lanka và được đem trồng tại Viện Pháp Minh Đăng Quang vào ngày 27 tháng giêng năm Giáp Ngọ (2014).

Đại lễ tưởng niêm Tổ sư được tổ chức vào mùng 1 tháng 2 năm 2014 nhằm tưởng niệm 60 năm Tổ Sư vắng bóng. Đây được xem là một sự kiện trọng đại đối với tất cả các môn đồ, đệ tử. Đặc biệt, đánh dấu quá trình hình thành và phát triển hơn 70 năm Đạo Phật Khất Sĩ có mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh phong cách kiến trúc đặc trưng cùng những sự kiện mang tính chất cột mốc tiêu biểu, Pháp viện Minh Đăng Quang còn được biết đến là nơi ghi điểm trong lòng khách tham quan bằng những món chay vô cùng hấp dẫn.

Nhà hàng Thiện Duyên nép mình về phía bên phải ở mặt trước của Pháp viện. Đây là nhà hàng có kiến trúc 2 tầng tựa như một ngôi chùa “mini”. Với không gian thoáng đãng, trong lành. Nhà hàng có thể phục vụ trên 60 món chay thơm ngon, hấp dẫn và tuyệt đối an toàn. Ngoài ra, nơi đây còn có không gian cà phê rất độc đáo với nhiều loại nước bổ dưỡng được pha chế bởi những bartender chuyên nghiệp. Nhà hàng có sức chứa lên đến 500 người. Vì thế, du khách có thể đặt tiệc chay, đám cưới hằng thuận,….tại đây. Đặc biệt, hàng tháng vào ngày rằm, mùng 1 hay lễ Phật Đản, nhà hàng còn tổ chức những tiệc buffet chay để phục vụ du khách.

dấu ấn nổi bật tại Pháp viện Minh Đăng Quang

Những kỷ lục quốc gia là sự ghi nhận cho ngần ấy những cố gắng cũng như dốc lòng dốc sức của các Tăng Ni, Phật tử dành cho Pháp viện. Vì mục tiêu trở thành một trung tâm hoằng pháp lâu dài và tương xứng với sự phát triển của Giáo hội Tăng già Khất Sĩ Việt Nam, Pháp viện đã đầu tư rất nhiều tâm sức và công lao để hoàn thiện quần thể di tích để củng cố cho những bước tiến dài còn đang chờ phía trước. Cũng chính vì lẽ đó mà Tổ chức Kỷ lục quốc gia đã ghi nhận Pháp viện với các kỷ lục:

  • Ngôi chùa tịnh xá được xây dựng với 4 bảo tháp lớn nhất tại Việt Nam hiện nay
  • Ngôi tịnh xá có bảo tháp bằng gỗ thờ phật trong khu vực chánh điện lớn nhất Việt Nam hiện nay
  • Là ngôi tịnh xá tổ chức thành công lễ khất thực cỗ phật lớn nhất hiện nay
  • Là nơi tổ chức Đại lễ kỷ niệm 60 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất Việt Nam.

những kỷ lục của Pháp viện Minh Đăng Quang

4. Những điểm lưu ý khi đến Pháp viện Minh Đăng Quang

Những thông tin sau đây sẽ giúp ích cho chuyến tham quan của bạn khi chọn địa điểm Pháp viện Minh Đăng Quang là nơi ghé thăm trong thời gian tới:

  • Giờ mở cửa của Pháp viện: 8h00 – 20h00
  • Giá vé vào cổng: Miễn phí
  • Đến với những nơi trang nghiêm như chùa, pháp viện,… các bạn nên lựa chọn trang phục lịch sự, nhã nhặn phù hợp với nơi thanh tịnh.
  • Bạn có thể chuẩn bị 1 ít kinh phí để có thể thưởng thức những món chay vô cùng hấp dẫn tại nơi đây.

5. Lời kết

Đến với Pháp viện Minh Đăng Quang, du khách không những được chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc đặc trưng của Giáo phái mà còn được tận hưởng bầu không khí trong lành, mang lại cảm giác bình yên, tự tại. Ngoài ra, nếu có nhu cầu thưởng thức ẩm thực chay tại đây thì đừng bỏ lỡ một nhà hàng chạy vô cùng “xịn xò” đang chờ đợi du khách dừng chân tại Thiện Duyên. Pháp viện Minh Đăng Quang sẽ là nơi giúp bạn gác lại những phiền muộn của cuộc sống, giúp tâm trở nên thanh tịnh và trí sẽ dần được khai thông.

Hẹn gặp bạn ở Pháp viện Minh Đăng Quang một ngày không xa.

Xem thêm: Chùa Bửu Long – Ngôi chùa mang đậm màu sắc Nam Tông Thái Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201