Dân ca quan họ Bắc Ninh – một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng văn hóa Kinh Bắc, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và đây cũng là một nét chấm phá độc đáo cho nền nghệ thuật Việt Nam mà ai ai cũng tự hào. Qua bài viết này, hãy cùng Hành Hương Việt tìm hiểu thêm về nét đặc sắc của dân ca quan họ Bắc Ninh nhé.
Mục Lục
1. Dân ca quan họ Bắc Ninh là gì?
Dân ca Quan họ là một làn điệu dân ca của vùng châu thổ Sông Hồng ở miền Bắc, được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu – dòng sông của quan họ chảy ngang.
Có giả thuyết cho rằng “Quan họ” là thể loại âm nhạc của “họ nhà quan” nên được gọi với cái tên vô cùng độc đáo như vậy. Tuy nhiên lại có truyền thuyết kể rằng, có một ông quan cưỡi ngựa đi qua làng Diềm Xá (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và đã bắt gặp một cô gái đang hát điệu dân ca, ông liền dừng lại để nghe vì quá say mê tiếng hát ấy, cuối cùng, ông đã đặt tên cho làn điệu dân ca đó là “Quan họ”.
Dân ca quan họ Bắc Ninh không chỉ là một hình thức hát giao duyên giữa những liền anh liền chị mà còn là việc trao đổi tình cảm với khán giả, trong đó những câu hát quan họ gửi tới quý vị khán giả đều chứa đựng những tâm tư tình cảm đặc biệt nhất.
Theo GS Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo viết trong cuốn sách “Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam”, có thể chia hát quan họ thành sáu dạng như sau:
- Hát Hội (Hát quan họ ở hội).
- Hát Mừng (Hát quan họ ở đám hỏi).
- Hát Thờ hát Cầu (Hát quan họ ở cửa đình, cửa đền).
- Hát Canh (Hát quan họ tại nhà giữa hai nhóm quan họ trai gái mời nhau).
- Hát Giải Hạn (Hát sau khi thực hiện xong nghi thức cúng lễ giải hạn).
- Hát Cầu Đảo, Cầu Mưa (Hát để cầu mong trời cao và thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi).
Và trong sáu dạng hát dân ca quan họ đã nói trên, hát Hội, hát Canh là hai hình thức nổi bật nhất, đã đem lại giá trị văn hóa nghệ thuật cao, thu hút du khách từ phương xa đến thưởng thức.
2. Dân ca quan họ Bắc Ninh bắt nguồn từ đâu?
Đến nay, các ý kiến về nguồn gốc ra đời của dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn còn là một ẩn số bởi có rất nhiều quan điểm khác nhau, có ý kiến cho rằng dân ca quan họ có từ thế kỉ XI, số khác lại cho là thế kỉ XVII, tuy nhiên tất cả các ý kiến đó đều đã khẳng định được giá trị vô cùng to lớn của Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo điều tra của Sở văn hóa Hà Bắc (thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay) thì trước cách mạng tháng Tám năm 1945 có 49 làng quan họ tọa lạc tại các huyện Tiên Du, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Yên Phong, Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh. Mỗi làng quan họ tại Bắc Ninh đều mang một nét độc đáo riêng, thu hút các du khách đến để thưởng thức làn điệu dân ca quan họ tại đây.
3. Nét đặc sắc trong dân ca quan họ Bắc Ninh
3.1. Làn điệu làm say đắm lòng người
Làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh là những tiếng hát đầy ngọt ngào, mềm mại, người hát luôn khéo léo thổi hồn vào từng lời hát một cảm xúc đặc biệt khiến cho âm hưởng của toàn bài luôn vang vọng và thấm đẫm vào tâm hồn của những người thưởng thức khiến tất cả đều phải thán phục trước sức hút khó có thể cưỡng lại của thứ dân ca truyền thống này.
Một số làn điệu quan họ cổ mà có lẽ mọi người muốn tìm hiểu: La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, Gió mát trăng thanh, Tứ quý.
3.2. Cách hát độc đáo
Dân ca quan họ Bắc Ninh đã thu hút khán giả bởi cách hát đôi vô cùng độc đáo. Khi một đôi trong quan họ bạn hát thì bên kia cũng chuẩn bị một đôi để hát đối lại. Chính vì vậy hát quan họ là loại hát giao duyên, những người hát quan họ thường được gọi là các liền anh, liền chị.
Trong khi đó, kết cấu của mỗi điệu hát lại được hình thành từ những buổi lễ kết nghĩa, thường được bắt đầu bằng những lời hỏi thăm tận tình hoặc những câu thề thốt, tiếp theo, họ còn có buổi gặp mặt tại bên nam, ở đây, họ có thể hát thâu đêm suốt sáng để thổ lộ tình cảm của mình giúp mỗi người dần hiểu nhau hơn.
Sau đó, căn cứ vào sự đồng nhất về cữ giọng, âm sắc, họ chia thành từng cặp: anh Cả – chị Cả, anh Hai – chị Hai, anh Ba – chị Ba… Lời ca trong dân ca quan họ Bắc Ninh chủ yếu nói về tình yêu gắn bó thủy chung giữa cặp nam nữ. Tuy nhiên, trên thực tế họ không hề nghĩ đến chuyện yêu mà chỉ có quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, họ gọi nhau bằng anh, chị và xưng em hoặc tôi.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là thể loại nhạc trữ tình nên cách hát, cách luyến láy đều được trau chuốt rất kỹ càng gồm nhiều kĩ thuật sao cho âm điệu vừa có thể vang, rền lại vừa nền, nảy, nghe như rót mật vào tai, ngọt ngào tình cảm. Địa điểm hát dân ca quan họ Bắc Ninh thường được tổ chức tại sân nhà, trước cửa đình, cửa chùa, trên thuyền, bến nước…
3.3. Trang phục tạo nên nét đặc sắc trong dân ca quan họ Bắc Ninh
Một nét chấm phá tạo nên vẻ đặc sắc của dân ca quan họ Bắc Ninh chính là trang phục truyền thống bao gồm trang phục của các liền anh và các liền chị.
Về trang phục của liền anh: Chủ yếu sử dụng áo dài năm thân màu đen với chất liệu là lương, the, dài tới quá đầu gối, bên trong thì mặc một hoặc hai áo cánh.
Đối lập với màu áo, quần của liền anh mang màu trắng tự nhiên, ống rộng, may dài tới mắt cá chân, sử dụng chất liệu làm bằng phin, trúc bâu hoặc lụa truội.
Bên cạnh đó, nón chóp dạng chóp lá thường hoặc chóp dứa là một trong những đặc trưng của trang phục truyền thống trong dân ca quan họ, đây là một phụ kiện không thể thiếu đối với mỗi liền anh, nó vừa thể hiện được tính truyền thống trong văn hóa đất Việt vừa mang nét đặc sắc riêng biệt của vùng miền – Một sự kết hợp rất đỗi hoàn hảo.
Ngoài ra cũng thường thấy các liền anh dùng ô đen và những “xa xỉ phẩm” thời xưa làm phụ kiện kèm theo, có thể kể đến như khăn tay làm bằng lụa hoặc bằng vải trắng rộng, lược, giày da.
Trong khi đó, trang phục áo dài mà liền chị mặc lại thường được gọi là “áo mớ ba mớ bảy”, nghĩa là mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy).
Về trang phục cơ bản của các liền chị: Chủ yếu bên trong mặc một chiếc yếm có màu sắc rực rỡ gồm hai loại là yếm cổ xẻ (dùng cho trung niên) hoặc yếm cổ viền (dùng cho thanh nữ) với chất liệu làm bằng lụa truội, bên ngoài là một chiếc áo cánh màu trắng hoặc vàng ngà.
Trong trang phục dân ca quan họ, liền chị thường mặc áo dài năm thân có cài khuy mang màu trầm, trong khi đó, đối lập với áo dài ngoài, áo dài trong lại nhuộm màu sắc tươi tắn. Việc sử dụng hai màu gợi hai thái cực khác nhau đã làm tô thêm vẻ đẹp thướt tha, tao nhã của những liền chị với giọng hát mềm mại, ngọt ngào như vậy.
Đặc biệt, một trong những vật dụng không thể không nói đến, là điểm nhấn cho trang phục của dân ca quan họ Bắc Ninh đó chính là nón quai thao. Khi hát, các liền chị thường che nón thúng quai thao để tăng thêm vẻ lịch sự, duyên dáng.
4. Dân ca quan họ Bắc Ninh trong xu thế xã hội hiện nay
Vào hàng năm, cứ từ ngày 4 tháng giêng âm lịch, các làng dân ca quan họ Bắc Ninh lại bắt đầu rộn ràng tiếng hát của các liền anh, liền chị để chuẩn bị cho ngày hội quan họ vô cùng quan trọng. Quý vị khán giả sẽ được thưởng thức những câu hát quan họ mộc mạc nhưng chứa đựng những tâm tư tình cảm của con người vùng quê Kinh Bắc. Không dùng lại ở đó, cứ vào ngày 10 và 11 tháng giêng âm lịch, tại Bắc Ninh thường tổ chức những cuộc thi hát quan họ, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, những cảm xúc không thể nào quên.
5. Lời Kết
Với nét độc đáo, đặc trưng riêng, dân ca quan họ Bắc Ninh đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức nét đẹp không gian văn hoá đã được bồi đắp từ bao đời, xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng rằng du khách sẽ có thêm những thông tin bổ ích về dân ca quan họ Bắc Ninh. Chúc du khách sẽ có những phút giây khó quên khi đến vùng đất lễ hội này.
Xem thêm: Danh Thắng Ngũ Hành Sơn – Kỳ Quan Thiên Nhiên Tạo Hóa Ban Tặng
Bài viết liên quan: