Chùa Thiên Hậu Sài Gòn – Nơi mang vẻ đẹp cổ kính linh thiêng

Chùa Thiên Hậu Sài Gòn được mệnh danh là ngôi chùa tâm linh nhất giữa lòng phố thị, mang trên mình vẻ đẹp cổ kính, trải qua hơn 260 năm thăng trầm, chùa đã trở thành nơi cầu lộc và cầu tình duyên vô cùng linh thiêng. Cùng Hành Hương Việt tham quan ngôi chùa này, du khách sẽ được nghe về sự tích Bà Thiên Hậu, được chiêm ngưỡng những kiến trúc đặc sắc của người Hoa, đồng thời du khách sẽ được khám phá những điều đặc sắc tại nơi đây mà ít người biết đến.

1.    Chùa Thiên Hậu Sài Gòn có sự tích gì?

Chùa Thiên Hậu Sài Gòn vốn nổi tiếng là chốn linh thiêng bậc nhất, bởi lẽ người được thờ tại ngôi chùa này là người có thật trong lịch sử Trung Hoa. Tương truyền, vào năm 1044, tức năm Giáp Thân, dưới đời vua Tống Nhân Tông, trên đảo Mi Châu, tỉnh Phúc Kiến, có một người phụ nữ mang thai đến 14 tháng mới sinh ra được một cô con gái, kì lạ hơn là khi chào đời, đứa bé chỉ im lặng, không khóc cũng chẳng quấy phá. Thấy thế, người mẹ liền đặt tên cho đứa bé là Lâm Mặc Nương.

Khi vừa tròn 8 tuổi, Mặc Nương đã mong muốn tu theo Phật giáo, lúc này bà cũng đã biết đọc sách và viết chữ một chút. Chứng kiến sự hiếu học đó, một vị Võ Thần Y đã đưa cho bà tập Kiến Thơ, với mong muốn Mặc Nương sẽ thông thạo chữ viết hơn. Đến một ngày nọ, khi đang chơi bên cạnh chiếc giếng khô, bà phát hiện ra cuốn Cổ Thư, với sự hiếu học và thông minh, Mặc Nương dựa theo những kiến thức trong sách ghi chép, bà đã khám phá ra được thiên văn, đồng thời cũng bộc lộ được khả năng nhìn sao trời đoán thời tiết của mình. Năng lực của bà đã giúp người dân tránh được không ít mưa bão khi đi biển, khiến họ biết ơn và sùng kính bà hơn.

Cuộc sống cứ thế trôi qua êm đềm, cho đến năm Mặc Nương 16 tuổi, cha cùng hai anh trai phải đi thuyền đến tỉnh Giang Tây bán muối, nửa đêm đó thuyền của gia đình Lâm Mặc Nương gặp nạn, cha và hai anh bị sóng biển cuốn trôi. Lúc này, khi đang dệt vải cùng mẹ, Mặc Nương đã cảm nhận được nguy hiểm, bà liền ngủ thiếp đi, xuất hồn đến nơi gặp nạn để cứu cha và hai người anh trai. Trong lúc chật vật dùng miệng kéo áo cha và hai tay kéo hai người anh vào bờ thì Mặc Nương bị mẹ gọi dậy, vì giật mình bà đã há miệng lớn để đáp lại mẹ, lúc này áo cha ngậm trong miệng bị tuột mất, cha bà vì vậy mà cũng bị sóng cuốn đi. Sau khi cứu được hai anh trai, Mặc Nương vì đau lòng cho người cha mà cũng mất vào lúc ấy.

sự tích Chùa Thiên Hậu Sài gòn

Từ đó, chuyện lạ về khả năng màu nhiệm của Lâm Mặc Nương cũng loan xa, bà vô tình trở thành vị nữ thần được nhiều ngư dân tôn sùng. Họ thường xuyên khấn vái bà trong những lúc tàu thuyền gặp nguy nan, và bà cũng thường xuyên hiển linh để cứu vớt những ngư dân gặp nạn. Lúc này, triều đình nhà Tống cũng nghe danh về sự linh ứng và quyền năng thần tiên của bà liền sắc phong cho bà là “Thần nữ”, “Nam Hải thần nữ” và lập miếu cung phụng. Qua nhiều lần được sắc phong với nhiều vị trí khác nhau, thì đến đời Khang Hy, bà chính thức được phong làm “Thiên Hậu”.

2      Bên trong chùa Thiên Hậu Sài Gòn có gì?

2.1 Tiền điện chùa Thiên Hậu Sài Gòn.

Khi đặt chân đến chùa Thiên Hậu Sài Gòn, nơi đầu tiên du khách được ghé thăm chính là khu Tiền điện – nơi thờ hai vị thần nổi tiếng của người Hoa là Phúc Đức Chánh thần và Môn Quan Vương Tả. Liền mạch với khu Tiền điện, du khách sẽ nhìn thấy khu Trung Điện và khu Hậu Điện phía bên trong, và nằm giữa Tiền điện và Trung điện là sân Thiên Tĩnh (giếng trời) – nơi tràn ngập ánh sáng mặt trời quyện với hương khói nghi ngút quanh năm, tạo nên một vùng trời vừa mờ ảo lại thiêng liêng. Đặt trong sân Thiên Tĩnh là những chiếc lư hương được khắc chữ Thiên Hậu Thánh Mẫu và đây cũng chính là khu vực để du khách có thể tham quan, cầu nguyện và thắp hương.

tiền điện Chùa Thiên Hậu Sài Gòn

Dọc theo hai hành lang trong sân Thiên Tĩnh là Đông Sương và Tây Sương, các bức tường ở đây được dựng bằng các bia đá lớn, trên những bia đá sẽ ghi lại truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu, những lần trùng tu chùa, những sự kiện lớn trong chùa và những bức tranh vẽ Bà đang hiển linh trên sóng nước.

2.2 Trung điện chùa Thiên Hậu Sài Gòn.

Bước vào khu vực Trung điện – nơi trưng bày các Cổ vật, du khách sẽ bắt gặp bộ lư có năm món được điêu khắc tinh xảo vào năm Quang Tự thứ 12 (1886), gọi là Phát Lang, kèm theo đó nơi này còn hơn 400 hiện vật cổ được trưng bày tại đây và trải rộng khắp chùa.

trung điện Chùa Thiên Hậu Sài Gòn

Ngoài ra, Trung điện còn dựng các bảng lớn, dày đặc những phiếu màu hồng được viết bằng Hán tự, đây chính là nơi lưu giữ danh sách tên của những nhà hảo tâm đã quyên góp cho chùa để trùng tu hoặc từ thiện. Dọc theo các mái đình, hiên nhà, đến các vách tường, đến thờ của Thiên Hậu Sài Gòn du khách còn được chiêm ngưỡng các phù điêu, hình tượng xếp chồng thành từng lớp, được điêu khắc khéo léo bằng gốm.

trung điện Chùa Thiên Hậu Sài Gòn

2.3  Hậu điện chùa Thiên Hậu Sài Gòn.

Nằm sâu bên trong chùa Thiên Hậu Sài Gòn chính là Hậu điện, nơi này thường được người Hoa gọi là Thiên Hậu cung, cung điện chính thờ Bà Thiên Hậu. Theo người dân nơi đây chia sẻ, tượng Thiên Hậu được tạc từ một khối gỗ nguyên đã có từ khá lâu, cao khoảng 1m và được đặt ở giữa điện, bên phải thờ bà Kim Hoa Nương Nương và bên trái thờ Long Mẫu Nương Nương được làm từ cốt giấy sơn màu. Xung quanh Hậu điện đặt tượng Bát Linh, những bộ lư hương, kiệu sơn son thiếp vàng được làm từ gỗ, điểm tô thêm cho nơi này là những ánh nến lung linh, huyền ảo, gợi vẻ huyền bí mà u tịnh.

Điều đặc sắc tại khu Hậu điện này còn nằm ở những chiếc vòng nhang được treo trên không. Đa số những người ghé thăm chùa đều sẽ mua vòng nhan và giấy để ghi lại những lời chúc hay tâm nguyện của mình. Sau khi hoàn thành, những vòng nhang có dán giấy viết này sẽ được đốt và được treo lên, mới mong cầu bà Thiên Hậu sẽ lắng nghe và đáp ứng.

hậu điện Chùa Thiên Hậu Sài Gòn

3      Chùa Thiên Hậu Sài Gòn ở đâu?

Theo ghi chép, chùa Thiên Hậu Sài Gòn được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam xây dựng vào khoảng năm 1760, lấy tên là chùa Bà Thiên Hậu, trải qua nhiều lần trùng tu, nơi đây cũng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như chùa Bà Chợ Lớn, Thiên Hậu miếu, Tuệ Thành Hội Quán… Ngày nay, chùa Thiên Hậu Sài Gòn nằm ở trong khu trung tâm Chợ Lớn, tại số 710, đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh, cách Hội quán Tuệ Thành – nơi ở của người Hoa khoảng 200m và cách phố đi bộ Nguyễn Huệ chỉ khoảng 7km.

Chùa Thiên Hậu Sài Gòn ở đâu

Chùa Thiên Hậu Sài Gòn vốn nằm ở mặt đường lớn, thế nên khi di chuyển đến chùa, du khách có thể lựa chọn các phương tiện như xe máy, xe ô tô hoặc xe buýt điện. Chùa thường mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, từ lúc 06h30 sáng đến 16h30 chiều, để có những trải nghiệm thú vị hơn, các du khách có thể lựa chọn ghé thăm chùa vào thời gian từ 22 đến 24 tháng 3 Âm lịch, tại thời điểm này thường diễn ra lễ hội chính của chùa – Lễ chùa Bà Thiên Hậu.

4      Chùa Thiên Hậu Sài Gòn có lễ hội gì?

Đến với chùa Thiên Hậu Sài Gòn, người dân thường lựa chọn ngày mùng 1, 15 hàng tháng hoặc những ngày lễ lớn trong năm như Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên Tiêu,… để ghé thăm chùa cầu nguyện và cúng dường. Ở Thiên Hậu Sài Gòn vào 28 Tết hằng năm, chùa thường tổ chức Lễ cúng Bà và Lễ khai ấn, với mong ước được Bà phò trợ “Hộ quốc an dân” và “Hợp cảnh bình an”.

Ngoài ra, vào ngày vía Bà 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm, nơi đây sẽ tổ chức Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, cũng chính là lễ hội chính của ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi này. Trong lễ hội thường sẽ diễn ra các hoạt động như Lễ tắm Bà (vào đêm 22), Lễ rước Bà (sáng ngày 23) và kèm theo đó sẽ có múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc vừa biểu diễn vừa múa hát, tạo nên bầu không khí sôi nổi trong các khu phố sầm uất của người Hoa.

chùa Thiên Hậu Sài Gòn có lễ hội gì

5      Lời kết.

Có thể thấy, chùa Thiên Hậu Sài Gòn có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống văn hóa cộng đồng người Hoa, cho nên, dù nằm giữa nơi phố thị sầm uất nhưng chùa vẫn giữ được không gian và kiến trúc cổ kính, trầm lặng. Đến với Thiên Hậu Sài Gòn, là đến với chốn tâm linh thanh tịnh, đến với nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và mỹ thuật của những công trình trạm trổ, điêu khắc, cổ vật lâu đời. Vậy nên, nếu muốn tìm lại chút khoảng lặng, bình yên cho mình giữa chốn Sài Gòn hoa lệ thì đừng quên ghé chùa Thiên Hậu này nhé.

Xem thêm: Du lịch đến thị trấn Sapa và những điều cần lưu ý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0908957201