Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – vẻ đẹp phi vật thể của núi rừng Tây Nguyên. Nhắc đến núi rừng đại ngàn Tây Nguyên, người ta thường truyền tai nhau về loại nhạc cụ cồng chiêng nơi đây, về thanh âm mà nó đem lại, về con người và những lễ hội đặc sắc luôn vang vọng tiếng chiêng cồng. Sở dĩ, cồng chiêng Tây Nguyên được coi là biểu tượng cho cuộc sống của chính những người dân bản địa, cứng cỏi, mạnh mẽ mà êm dịu, hòa nhã. Đặc biệt hơn cả, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên còn là một kiệt tác truyền khẩu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hằng năm, nơi đây thu hút không ít du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Cùng theo chân Hành Hương Việt xuôi về miền núi để tìm hiểu về di sản văn hóa đặc sắc này bạn nhé!
Mục Lục
1. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có từ khi nào?
Xuôi về cội nguồn, các nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá, được người xưa sáng chế thành các loại khí cụ để ăn mừng vào những ngày lễ lớn, cầu nguyện vào đầu các mùa vụ. Và cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ văn minh Đông Sơn cổ đại – một nền văn hóa trống đồng có lịch sử lâu đời nổi tiếng ở Đông Nam Á. Bởi vì, ngay trong các trường ca, các câu chuyện sử thi của dân tộc Tây Nguyên đã xuất hiện chiêng cồng.Và người ta còn tin rằng, nửa đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 là giai đoạn cực thịnh của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Cho đến ngày 25/11/2005, Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, sau được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2008). Trải qua hơn 17 năm bảo tồn và phát triển, không ngừng đóng góp tích cực vào đời sống, tinh thần của người dân nơi đây, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một biểu tượng về văn hóa, tạo thành nét đặc sắc cho các du khách phải ghé thăm mảnh đất cao nguyên này.
2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có nét đặc trưng gì?
2.1. Giá trị truyền thống.
Đến với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các du khách sẽ được tìm hiểu về giá trị truyền thống của người dân Việt Nam nói chung và người dân Tây Nguyên nói riêng. Khởi nguồn từ nền văn minh Đông Sơn, cồng chiêng Tây Nguyên được người dân xem là ngôn ngữ có thể giao tiếp với thế giới siêu nhiên, nơi họ có thể gửi gắm niềm tin, sự hi vọng và những mong mỏi đời thường nhất đến với thần linh. Và người ta cũng thường hay truyền miệng, chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần, cồng chiêng càng lâu đời thì càng thiêng. Ngoài ra, cồng chiêng còn biểu hiện cho sự quyền lực, tài vận đồng thời cũng là vật linh bảo vệ các gia đình xưa, được truyền thừa đến nay.
Ngày nay, tại địa phận tỉnh Đăk Lăk đã lưu giữ được trên 2.307 dàn cồng chiêng. Có gần 400 nghệ nhân chỉnh chiêng và 635 nghệ nhân truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng. Với mong muốn lưu giữ truyền thống, tín ngưỡng mà tổ tiên để lại, người dân nơi đây đã tổ chức hàng ngàn lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Thế hệ này, đều là những con em của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
2.2. Vẻ đẹp thanh âm.
Điều thu hút khách tham quan đến với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ nằm ở việc du khách được tìm hiểu, chiêm ngưỡng dáng vẻ to nhỏ, dày mỏng của cồng chiêng mà du khách còn được hòa mình vào các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng. Khác với các loại nhạc cụ thông thường, âm thanh mà cồng chiêng phát ra sẽ dựa vào phong cách của từng tộc người, câu chuyện mà người chơi muốn truyền đạt, lễ hội mà họ đang tham gia. Ví như người dân Ba Na, Gia Rai thì đánh cồng chiêng theo phong cách chủ điệu (một bè trầm đánh trên là một vài giai điệu); người Ê đê thì đánh theo cách thức từng chùm hợp âm, nối tiếp…
Khi biểu diễn, người dân tham gia sẽ mang trang phục truyền thống, nữ đeo gùi múa, nam mang cồng chiêng chơi. Người chơi cồng chiêng sẽ đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái theo vòng tròn. Điều này cũng mang một ý nghĩa nhất định, vì khi di chuyển ngược chiều với thời gian, họ tin rằng đó là hướng về cội nguồn.
2.3. Văn hóa tâm linh.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là những nhạc cụ đại diện cho văn hóa, những kỹ thuật diễn tấu phong phú mà nó còn mang ý nghĩa tâm linh đậm nét tín ngưỡng của người dân Tây Nguyên. Bởi xuyên suốt tiến trình làm người, từ khi bật khóc chào đời đến lúc an nhiên rời đi, những tiếng cồng chiêng đã len lỏi cất lên sống cùng với họ, quanh quẩn trong những nghi lễ của một đời người. Đó là tiếng chiêng cồng vui vẻ chào đón họ chào đời, là tiếng rộn ràng ngày dựng vợ, gả chồng, là tiếng âm trầm tiễn đưa họ về với tổ tiên, cội nguồn.
Không chỉ vậy, cồng chiêng Tây Nguyên còn được sử dụng trong các ngày lễ lớn của buôn làng như Lễ mừng Lúa mới, Lễ cúng Bến nước,… Vì họ tin rằng, khi âm thanh của cồng chiêng vang lên, là lúc họ được kết nối với các vị thần linh, là khoảnh khắc họ gửi gắm niềm tin, gửi gắm những mong muốn về một năm được mùa, một đời bình an, một kiếp người không quá lận đận chuyện được mất. Đó cũng là lí do mà cồng chiêng chỉ được sử dụng trong những nghi lễ gia đình, những ngày lễ lớn, tạo thành một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đặc trưng, tâm linh, mang hơi thở của Giàng, của vẻ đẹp núi rừng đại ngàn.
3. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở đâu?
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm cả 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và ngày nay đã lan rộng ra các địa bàn lân cận. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là các dân tộc Tây Nguyên tại chỗ như: Bana, Xê Đăng, Mnông, Cơ Ho, Rơmăm, Ê Đê, Gia Rai… Những con người đã không ngừng bảo tồn và phát triển bản sắc riêng của vùng núi rừng Tây Nguyên, nơi mà hằng năm đều nhộn nhịp trong các lễ hội truyền thống, rộn ràng vang vọng tiếng cồng chiêng.
Điều đặc sắc khi với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khách du lịch sẽ được trải nghiệm và tìm hiểu các loại nhạc cụ cồng chiêng hiện còn lưu giữ, được hòa mình trong các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, gặp gỡ và lắng nghe những câu chuyện từ người chơi cồng chiêng. Đặc biệt, khi khách du lịch đến tham quan vào các ngày lễ của người dân Tây Nguyên sẽ được tham gia vào lễ hội có sử dụng cồng chiêng tại các căn nhà rông, nhà gươl, nhà sàn, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên…
4. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có lễ hội gì?
Xoay quanh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra rất nhiều lễ hội theo năm, theo tháng hoặc theo mùa vụ như Lễ hội Đâm Trâu, Lễ bỏ mạ, Lễ mừng Lúa mới, Lễ cúng Bến Nước,…
Đặc sắc nhất có lẽ phải kể đến Lễ hội Cồng Chiêng diễn ra luân phiên hàng năm giữa các tỉnh, được kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 12. Đây cũng chính là một trong những lễ hội lớn nhất, được người dân tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Khi du khách đến tham quan vào các thời điểm này, du khách sẽ được thưởng thức các nghệ nhân trình diễn những vũ điệu kết hợp với tiếng cồng chiêng, được tham gia vào các hoạt động như phục dựng nghi lễ, ẩm thực Tây Nguyên.
5. Lời kết
Có thể thấy, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ mang vẻ đẹp phi vật thể của núi rừng Tây Nguyên, vẻ đẹp âm thanh của con người chốn đại ngàn mà nó còn là niềm tự hào của tất cả mọi người khi được đặt chân đến mảnh đất này để trải nghiệm. Vì vậy, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn nằm trong từ điển du lịch đặc sắc và hấp dẫn nhất của các du khách.
Xem thêm: Lăng Tự Đức – Công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa lịch sử của thế kỉ 19
Bài viết liên quan: