Chùa Hương Tích – nơi không chỉ gắn liền với nhiều điển tích, điển cố mà đây còn là một nơi nổi tiếng với vẻ đẹp thiêng liêng, mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, được công nhận là di tích văn hóa – thắng cảnh cấp quốc gia. Xuôi theo dòng chảy lịch sử, tồn tại suốt 2000 năm thăng trầm, Chùa Hương Tích đã trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh được nhiều người lựa chọn nhất. Theo chân Hành Hương Việt, chúng tôi sẽ đưa bạn đến chùa Hương Tích – một chốn nương tựa thiêng liêng được Phật tử hằng năm vẫn chọn là nơi chốn để quay về.
Mục Lục
I. Chùa Hương Tích ở đâu?
Vốn nổi tiếng là một trong những thắng cảnh cổ bậc nhất nước Việt xưa, chùa Hương Tích được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, tọa lạc tại lưng chừng đỉnh Ngàn Hống (ở độ cao 650m so với mực nước biển), thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, cách thành phố Hà Tĩnh 30km.
Chùa Hương Tích còn có tên gọi khác là Hương Tích Cổ Tự, dân gian vẫn thường hay gọi là Chùa Thơm. Sở dĩ có tên này cũng bởi, mỗi khi đến chùa lễ bái, xung quanh chùa đều thoang thoảng mùi hương hoa, lâu dần người ta liền đặt tên là Chùa Thơm, với mong muốn lưu giữ dấu tích của hương thơm, lưu giữ cho chùa một nét đặc trưng riêng.
II. Cách di chuyển lên Chùa Hương Tích.
Nơi chùa Hương Tích tọa lạc vốn có vị trí đặc thù, vì vậy mà có rất nhiều cung đường dẫn lên chùa. Tuyến đường xuất phát chính sẽ bắt đầu từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh đến thị trấn Nghèn thuộc huyện Can Lộc. Để đi được đến đây chúng ta chỉ cần chạy dọc theo quốc lộ 1A khoảng 20km. Sau đó, tiếp tục di chuyển thêm 7km sẽ đến chân dãy núi Hồng Lĩnh. Ở đây, chúng ta có thể lên chùa Hương Tích bằng cách đi bằng cáp treo, đi thuyền hoặc đi bộ.
Với phương tiện là cáp treo, chúng ta sẽ mua vé cáp khi ở Ga miếu Cô. Khi di chuyển bằng cáp treo chúng ta sẽ chỉ mất khoảng 5 phút và điểm đến sẽ là miếu Cô. Điểm cộng cho phương tiện di chuyển này là không mất quá nhiều sức để lên chùa mà còn được ngắm cảnh núi non hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp.
Nếu chọn cách di chuyển lên núi bằng thuyền, các bạn sẽ được đắm mình trong cảnh sông núi hữu tình. Với phương tiện này các bạn sẽ được đưa đến miếu Linh Sơn, đến đây chúng ta chỉ cần đi dọc theo hồ Nhà Đường khoảng 1,5km sẽ đến ngay miếu Cô. Lúc này, các bạn có thể lựa chọn đi cáp hoặc đi bộ để lên chùa Hương Tích.
Cuối cùng, nếu bạn là một người thích khám phá và có sức khỏe tốt, bạn có thể chọn cách đi bộ theo triền núi khoảng 3km để di chuyển đến miếu Linh Sơn, chùa chính. Với sự lựa chọn này bạn sẽ được thỏa trí ngắm nhìn núi rừng Hồng Lĩnh hùng vĩ, cảm nhận được bầu không khí trong lành mà thiên nhiên nơi này mang lại.
III. Sự tích chùa Hương Tích Hà Tĩnh.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, chùa được xây dựng từ thời Trần, gắn với truyền thuyết cổ xưa xứ Thiên Cầm – Bà Chúa Ba. Câu chuyện kể về vị công chúa Diệu Thiện, con gái của vua Sở Trang Vương nước Sở đã đến tu hành và đắc đạo ở đây.
Tương truyền, khi xưa Sở Trang Vương có ba vị công chúa đã đến tuổi trưởng thành. Với mong muốn ổn định thế cục triều đình, vua quyết gả cả ba vị công chúa cho đại thần trong triều. Chuyện cưới gả của hai chị đều diễn ra thuận lợi, đến phiên Diệu Thiện lại thật bẽ bàng thay, người cô phải gả là một vị tướng quân danh xưng trước nay vốn là kẻ ác độc. Không muốn chịu thiệt, Diệu Thiện đã kiên quyết phản đối khiến vua cha nổi giận. Rơi vào bước đường cùng, nàng chọn rời đi, nương nhờ cửa Phật tại ngôi chùa Hương Tích.
Nào có ngờ, tướng quân kia lại chẳng bỏ cuộc, hắn tìm đến tận nơi bắt ép công chúa ra gặp mình, bằng không sẽ phóng hỏa đốt chùa. May mắn Đức Phật chở che, Diệu Thiện cùng các tăng ni thoát nạn. Sau, nàng lại được Bạch Hổ đưa đến hang động Thiếu Lĩnh nằm trên núi Hồng Lĩnh, thuộc nước Việt Thường Thị để tu hành.
Cùng lúc này, Sở Trang Vương vì đau lòng con gái bỏ đi đã sớm sinh tâm bệnh. Trớ trêu, bệnh này chỉ có thể dùng chính bàn tay và mắt của một vị công chúa mới trị khỏi. Khi nghe tin, Diệu Ân, Diệu Duyên đã kiếm cớ từ chối. Thần y lại khuyên vua cử sứ giả sang nước Việt Thường Thị, cầu tình vị ni cô nổi tiếng từ bi nọ. Vua cha nghe xong liền đồng ý. Bên này, khi Diệu Thiện biết tin, nàng không chút chần chừ bèn móc mắt, cắt tay cho sứ giả đem về chữa bệnh cho cha. Mãi đến khi vua khỏi bệnh và sai người sang tạ ơn, thì mới biết đó chính là vị thuốc làm từ chính bàn tay và mắt của con gái mình.
Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, từ bi của Diệu Thiện, Đức Phật đã hóa phép cho nàng mọc tay và mắt trở lại, sau đó hóa thành Phật Quan Âm. Ở chính nơi nàng đã tu hành và hóa Phật, nhân dân xây dựng lên thành ngôi chùa Hương Tích ngày nay.
IV. Kiến trúc chùa Hương Tích.
Chùa Hương Tích vốn là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền gồm: chùa, am, tháp, đền… Quần thể này được chia thành 3 phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh mẫu (nơi dân gian tương truyền rằng công chúa Diệu Thiện đã đắc đạo hóa Phật ở đó).
Phía sau chùa mang vẻ đẹp cổ kính, cô tịch khiến người trầm tư, bởi bóng dáng của thời gian in hằn lên những gốc cây cổ thụ rủ bóng, những bức tường phủ rêu phong, nét đặc trưng mà miền đất Thánh luôn mang theo mình. Điều đặc biệt hơn cả, xoay quanh quần thể còn có sự xuất hiện của nhiều thắng cảnh như miếu Cô, am Phun Mây, động Tiên nữ, suối Tiên tắm, khe Quỷ khóc,…
Đến với chùa, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét tín ngưỡng Việt Nam. Không chỉ vậy, chùa còn nổi tiếng với điện thờ Cung Tam Bảo với những tượng Phật được đẽo từ niên đại hàng nghìn năm bằng các loại gỗ quý, lên đến 54 pho tượng Phật.
Tuy nhiên, vào năm 1885, tại chùa xảy ra hỏa hoạn lớn, mọi công trình kiến trúc và hiện vật gần như bị thiêu rụi. Mãi đến năm 1901, ngôi chùa mới được tổng đốc An Tính cho xây dựng lại năm 1910 và đến năm 2003 thì kiến trúc của chùa đã được tu sửa lại thêm một lần nữa. Trải qua bao tháng năm thăng trầm, bao lần bão táp mưa giông, vẻ đẹp khi xưa, ít nhiều cũng đã hư hao, tổn hại, Phật Phả và Bia ký đã không thể khôi phục. Nhưng may thay, sau ngần ấy tháng năm, trải qua ngần ấy quá trình trùng tu, những kiến trúc chính của các chùa, am, đền của quần thể chùa Hương Tích vẫn tìm về được vẻ đẹp cổ xưa mà chùa vẫn luôn có, vẫn đem đến cảm giác dễ chịu và thanh thản cho kẻ ghé chân nơi này.
V. Lễ hội Chùa Hương Tích diễn ra khi nào?
Hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch, tại Hương Tích Cổ Tự sẽ diễn ra Lễ hội Chùa Hương với các hoạt động như dâng hương, hoa, đèn, nến, hoa quả cùng đồ ăn chay. Trong lễ hội cũng có nghi thức rước lễ và rước văn. Đây cũng chính là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh vẫn còn được lưu giữ và phát triển, góp phần làm cho đời sống tâm linh của người Việt trở nên sâu sắc hơn. Cũng tại thời điểm này, Chùa Hương Tích không chỉ có các tăng ni đến lễ bái, theo đó còn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, dâng lễ, giải ưu.
VI. Lời kết.
Như vậy, có thể thấy rằng Chùa Hương Tích là một nơi đáng để chúng ta ít nhất một lần trong đời phải đặt chân đến. Không chỉ vì những điển tích, điển cố mà ngôi chùa mang theo suốt hơn 2000 năm mà đây còn là một nơi đáng để chúng ta đến trải nghiệm, tìm một tâm an, một khoảnh khắc thiêng liêng mà bình dị.
Xem thêm: Top 5 ngôi chùa Hà Nam linh thiêng nhất mà du khách nên đến một lần
Bài viết liên quan: